Giữa "ồn ào" sử dụng đất vàng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam báo lãi hơn 1.200 tỷ đồng trong quý I/2021

Doanh thu thuần của Tập đoàn Cao su trong quý I/2021 tăng 80% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.950 tỷ đồng, báo lãi hơn 1.200 tỷ đồng.

Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Tập đoàn Cao su, MCK: GVR) vừa công bố báo cáo quý I/2021 với kết quả kinh doanh ấn tượng.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý của tập đoàn tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.950 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ở mức 3.453 tỷ đồng, tăng 172%.

Doanh thu từ hoạt động tài chính kỳ này của GVR lại giảm 22%, còn 187 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong kỳ lần lượt tăng 51% và 20%, ở mức hơn 94 tỷ đồng và 310 tỷ đồng. Chi phí lãi vay là 147 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế đạt 1.216,2 tỷ đồng, tăng tới 261% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2021, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 5.700 tỷ đồng.

Với kết quả đạt được trong quý I, GVR đã thực hiện được gần 18% mục tiêu doanh thu và gần 23% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của GVR đạt hơn 79.000 tỷ đồng, trong đó đa phần là tài sản dài hạn với con số hơn 57.100 tỷ.

Nợ phải trả của doanh nghiệp này là gần 27.000 tỷ đồng, giảm 7%, vay nợ tài chính ngắn hạn và dài hạn cũng đều lần lượt giảm 10% và 2%.

Vốn chủ sở hữu là 52.137 tỷ đồng, trong đó, vốn góp chủ sở hữu 40.000 tỷ đồng, lũy kế lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 5.074 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 2/2021, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Thông báo Kết luận số 238/TB-TTCP về kết luận thanh tra (KLTT) việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai , trong đó có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam; Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam, thời kỳ từ 1/1/2010 đến đến 31/12/2017.

Theo kết luận của TTCP, tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, hện nay, tập đoàn này đang quản lý và sử dụng diện tích đất là 371.348 ha, bao gồm: đất nông nghiệp 361.647 ha, đất phi nông nghiệp 9.701 ha.

Tính đến ngày 31/12/2017, diện tích đất đã được cấp giấy CNQSD đất là 341.640 ha (khoảng 92%), 8% còn lại chưa được cấp giấy CNQSD đất do đang hoàn thiện hồ sơ chờ cấp giấy CNQSD đất, đất trả về địa phương, đất có tranh chấp với cá nhân, hộ gia đình,..

Tính đến ngày 31/12/2017, các đơn vị thuộc tập đoàn còn để hơn 10.710 ha đất bị lấn chiếm, tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và để diện tích đất chồng lấn giữa các công ty thuộc tập đoàn với những đối tượng khác, chủ yếu là người dân lên tới trên 1.737 ha, vi phạm quy định của pháp luật đất đai...

Về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước: Tập đoàn quản lý, sử dụng 759 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất là 1.200,39 ha, diện tích nhà là 1.176.187m2 thuộc đối tượng phải xử lý, sắp xếp.

Tuy nhiên, đến 31/12/2017, Tập đoàn mới chỉ trình cơ quan chức năng phê duyệt xử lý, sắp xếp 43 cơ sở, chiếm 5,7% (diện tích đất 15,39 ha, diện tích nhà 42.198m2); còn 716 cơ sở, tương ứng 94,3% hiện mới hoàn tất công tác kiểm tra hiện trạng.

Công tác quản lý hồ sơ đất đai trước đây của Tập đoàn còn sơ sài, không đầy đủ, chủ yếu là sử dụng hồ sơ dạng giấy, bản đồ địa hình, tài liệu đo đạc lạc hậu, công cụ để quản lý thô sơ, nguồn lực mỏng, diện tích được giao lại quá lớn dẫn đến khó khăn trong theo dõi, quản lý, giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất đai.

TTCP cho rằng, việc Tập đoàn cho thuê một phần diện tích văn phòng làm việc chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất Đai 2013 (tại số 177, Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM; số 56 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) và cho mượn đất làm nhà ở để bị lấn, chiếm chưa thu hồi được (Nhà E1, phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Tạp chí Cao su cho thuê làm nhà ở không đúng mục đích (số 680/44 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh và số 143/10 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Việc Tập đoàn ban hành quyết định số 183/QĐ-CSVN cho phép Công ty cao su Phú Riềng chuyển giao 96,18 ha đất cao su, sau đó UBND tỉnh Bình Phước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su (không thuộc tổ chức kinh tế nên không được thuê đất để thực hiện dự án đầu tư) là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 35, Luật đất đai năm 2003.

Việc Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đồng phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho cán bộ, công nhân mượn đất làm nhà là không đúng, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm quy định tại Luật đất đai 2003 và Luật đất đai 2013...

Trước những sai phạm trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những tồn tại, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng giao bộ Công an chỉ đạo Cơ quan điều tra xác minh xử lý theo quy định pháp luật đối với vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất nói trên.

Bạch Hiền - Theo Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/giua-on-ao-su-dung-dat-vang-tap-doan-cong-nghiep-cao-su-viet-nam-bao-lai-hon-1200-ty-dong-trong-quy-i2021-a553329.html