Đối tượng nổ súng giết hai người ở Nghệ An từng phạm tội, bị bộ Công an truy nã

Cao Trọng Phú - hung thủ dùng súng bắn chết 2 người tại nhà riêng vào ngày 30/4 đã từng phạm tội và bị bộ Công an truy nã.

Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Cao Trọng Phú (SN 1962, trú tại xã Nghi Kim, TP. Vinh) về tội “giết người".

Điều đáng nói, trước khi gây ra án mạng rúng động tại quê nhà, đối tượng Cao Trọng Phú từng bị truy nã vì phạm tội "Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử".

logo-img8906-1620120382106202284660-1620186186.jpg
Thông tin truy nã Cao Tỷ Phú (tức Cao Trọng Phú, SN 1962) tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử.

Trên Cổng thông tin điện tử bộ Công an, mục “Quản lý đối tượng truy nã” có đăng thông tin đối tượng Cao Tỷ Phú (SN 1962, là nam giới, quê Nghệ An, hộ khẩu thường trú 33E Cư xá Ngân hàng, Phường Tân Thuận Tây, Quận 7, TP.HCM) phạm tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét xử”.

Quyết định truy nã số 143 ngày 13/1/2004 do Văn phòng Cơ quan CSĐT- Bộ Công an ra quyết định.

Được biết, đến ngày 12/9/2011, Cao Tỷ Phú đã bị trinh sát cục Cảnh sát truy nã tội phạm - bộ Công an bắt giữ tại TP.HCM.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An xác nhận đối tượng Cao Trọng Phú từng bị bộ Công truy nã (với tên Cao Tỷ Phú - PV), nhưng sau đó đã bị bắt và thi hành án xong.

Sau khi chấp hành án xong, Cao Trọng Phú về quê, xây nhà và tới sáng 30/4 vừa qua thì gây ra vụ việc rúng động khi cầm súng bắn chết hai người tại nhà riêng ở xóm 7, xã Nghi Kim, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An.

hung-thu-01-1620180588.jpg
Đối tượng Cao Trọng Phú 

Liên quan tới thông tin cho rằng đối tượng Cao Trọng Phú có biểu hiển trầm cảm, hoang tưởng, luật sư Đào Định (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, điều 206, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định rõ, trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ...

Trên thực tế, khi tiến hành điều tra đối với những vụ án có các căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự, cần phải làm rõ ai là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và người đó đúng là người có căn cứ cho rằng mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh lý khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình hay không.

Và người bệnh khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đó có tình trạng tâm thần và loại bệnh tâm thần gì bởi có người không mắc bệnh tâm thần khi thực hiện tội phạm hoặc mắc bệnh tâm thần trong khi thực hiện tội phạm song không phải lúc nào họ cũng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình; người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mất đi khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình trong khi phạm tội hay không; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi nguy hiểm cho xã hội đã gây ra... Cần xác định cả những tình tiết, những sự việc, những hành vi mà người bệnh đã thực hiện trước khi thực hiện tội phạm, trong thời gian thực hiện tội phạm và cả trong giai đoạn điều tra.

Ngoài ra, khi tiến hành điều tra các vụ án có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh lý khác làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi hoặc bị mắc bệnh đó sau khi thực hiện tội phạm, bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần chứ không thể nói suông.

Hải Đăng (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/doi-tuong-no-sung-giet-hai-nguoi-o-nghe-an-tung-pham-toi-bi-bo-cong-an-truy-na-a553411.html