Chiều 12/5, thầy Phạm Ngọc Đoán - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai đã thông tin ban đầu xung quanh câu chuyện một nữ sinh trong trường xăm tên lên ngực vi phạm các quy định của trường.
Thầy Đoán cho biết nhiều năm nay, mỗi đầu năm học, nhà trường đều bắt buộc phụ huynh và học sinh phải ký cam kết tuân theo các quy định của trường khi theo học.
Trong đó, có quy định ghi rõ đối với nữ sinh: "Mặc đầm ngang đầu gối, áo không được cắt ngắn, đi giày dép có quai hậu cao không quá 5cm, không sử dụng son phấn, gắn lông mi giả, sơn móng tay móng chân. Không nhuộm tóc màu, không xịt keo, không xăm hình".
Với trường hợp nữ sinh đang theo học lớp 11 tại trường xăm tên lên ngực, vị Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết học sinh này đã theo học tại trường 2 năm, đầu năm học nào cũng cùng phụ huynh ký cam kết chấp hành nội quy của trường. Gần đây, nữ sinh này đăng hình ảnh xăm tên mình trên ngực lên facebook.
Sau đó, nữ sinh tự viết bản tường trình gửi tới Ban Giám hiệu nhà trường với nội dung: “Do em suy nghĩ bồng bột, nghe theo bạn bè rủ rê nên em đã xăm tên của em lên ngực vào năm 2019. Em hối hận về việc này và em mong nhà trường xem xét cho em rút hồ sơ để không làm ảnh hưởng danh tiếng của trường”.
Thầy Đoán cho biết phía phụ huynh học sinh có đề nghị nhà trường cho con em họ tiếp tục theo học đến hết lớp 12. Tuy nhiên, nhà trường không đồng ý.
Lý giải thêm, vị Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho rằng nếu cho nữ sinh này học tiếp thì quy định của nhà trường sẽ không duy trì được nữa.
Quy định của trường là để đảm bảo nguyên tắc định hướng giáo dục, hoàn thiện đạo đức lối sống, hoàn thiện nhân cách để học sinh có điều kiện tốt nhất sau khi ra trường.
Hơn nữa, quy định của trường phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội công nhận, phù hợp quy định của pháp luật, mục tiêu của nhà trường và ngành giáo dục.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Loan – Phó trưởng khoa giáo dục (học viện Quản lý Giáo dục) đưa ra ý kiến, con trẻ luôn có những ý thích bất chợt và quan trọng là cha mẹ làm sao để kiểm soát được ý nghĩ bất chợt đó.
Điều mà nhiều cha mẹ đều vấp phải là con trẻ có những ý thích riêng, có lúc điều đó chấp nhận được, nhưng cũng có lúc trở thành sai lầm do nhận thức non nớt. Trong những trường hợp này, cha mẹ phải ứng xử khéo léo để con không thấy cha mẹ bảo thủ, định kiến hay gây khó khăn.
“Ngày nay, việc giới trẻ đua nhau đi xăm mình không phải là điều gì quá kinh khủng như trước. Xã hội cũng bớt thành kiến với những người xăm hình. Với lứa tuổi học sinh, cha mẹ nên giải thích cho con về những quy định, nội quy của nhà trường để giúp con tập trung học tập. Nếu nhà trường không cấm học sinh xăm hình thì cha mẹ có thể tư vấn thêm để con có quyết định đúng đắn. Cha mẹ có thể thuyết phục con đổi ý khi các con muốn xăm to, quá lộ liễu, xăm ở các chỗ nhạy cảm.Ngoài ra, có thể trao đổi với con về những hệ quả của hình xăm là nó theo con suốt cuộc đời, việc xóa nó ngoài tốn kém còn gây đau đớn về thể xác. Cha mẹ cũng có thể gợi ý cho con về các hình xăm giả vì hiện nay trên thị trường có nhiều hình xăm dạng dán khá tiện lợi”, cô Loan nói.
Theo cô Lê Thị Loan, nếu con từ chối dùng hình xăm dạng dán, nhất quyết đòi xăm thì sau khi chọn được hình xăm phù hợp, cha mẹ nên tận tay đưa con đến các địa chỉ xăm mình an toàn, uy tín để hình xăm ngoài đảm bảo tính thẩm mỹ còn được an toàn về sức khỏe, không nhiễm trùng.
“Bố mẹ nhớ là kể cả việc con đòi xăm hình thì cũng không nên cấm đoán, miệt thị trước cách ăn mặc, gu thẩm mỹ của con. Với tuổi mới lớn, các con muốn thay đổi cả ngoại hình và gu ăn mặc nên điều cần thiết là bố mẹ cần phải làm quen với ý nghĩ rằng con được quyền chủ động trong một số vấn đề liên quan đến cá nhân như ăn mặc, đầu tóc, thậm chí là xăm mình miễn sao hợp lý. Cha mẹ hãy để con được lựa chọn, được chịu trách nhiệm với quyết định của mình”, cô Loan nói.
Hải Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nu-sinh-lop-11-bi-buoc-thoi-hoc-vi-xam-ten-len-nguc-a553712.html