Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang cho biết, đến 7 giờ ngày 15/5, tỉnh Bắc Giang có 145 ca nhiễm COVID-19, tăng 24 ca so với 17 giờ ngày 14/5.
Hiện, ổ dịch ở Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên đã ghi nhận 35 ca mắc COVID-19.
Sau khi phân tích tình hình, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang đánh giá từ khi bùng phát dịch ở Khu công nghiệp Vân Trung, cơ bản những ca bệnh đều là công nhân, tỷ lệ lây nhiễm ra người thân ở cùng nhà rất thấp. Môi trường lây nhiễm chủ yếu trong vùng yếm khí, lạnh (xưởng làm việc, nhà ăn, trên xe ô tô).
Khẩn cấp ngăn chặn
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 2148/UBND-KGVX về triển khai các biện pháp khẩn cấp khi phát hiện trường hợp dương tính với SARS-COV-2 tại doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để xử lý các tình huống cấp bách phát sinh, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các doanh nghiệp trên địa bàn các khu công nghiệp dẫn đến nguy cơ lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn Bắc Giang thực hiện ngay một số biện pháp ứng phó khẩn cấp sau khi phát hiện có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (F0) tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND cấp huyện nơi có KCN, các doanh nghiệp KCN, các cơ quan có liên quan thực hiện ngay các biện pháp sau: Quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ công ty hoặc một phần phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc của công ty có ca bệnh F0 trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế và nguy cơ lây nhiễm.
Chỉ đạo Tổ giám sát liên ngành về phòng, chống COVID-19 tại các KCN của tỉnh phối hợp với lực lượng y tế, công an và cán bộ của công ty tiến hành rà soát ngay để phát hiện những công nhân, người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tại công ty và đang ở trong cộng đồng; yêu cầu công ty thông báo cho công nhân và người lao động không có mặt tại công ty không đi khỏi nơi lưu trú và thông báo ngay cho y tế cơ sở.
Phối hợp với lực lượng y tế, công an tổ chức giám sát những người có nguy cơ nhiễm bệnh để thực hiện cách ly tạm thời tại công ty trong thời gian chờ lực lượng y tế đưa đi cách ly tại cơ sở tập trung.
Đồng thời yêu cầu công ty tiến hành lập danh sách, địa chỉ cư trú, số điện thoại, phương tiện đi lại (bao gồm cả hãng xe, biển số, người lái xe... với người lao động đi lại bằng xe công cộng) đối với toàn bộ công nhân và người lao động của công ty; xác minh những công nhân đang vắng mặt tại thời điểm phong tỏa tạm thời (bao gồm cả lao động thời vụ)...
Sở Y tế Bắc Giang phối hợp, tư vấn cho Ban Quản lý các KCN tỉnh quyết định phong tỏa tạm thời ngay toàn bộ công ty hoặc một phần phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc của công ty có ca bệnh F0 trên cơ sở đánh giá tình hình dịch thực tế và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại công ty.
Tách F0 và đưa F0 đi điều trị tại cơ sở y tế theo quy định. Tiến hành tổ chức lực lượng lấy mẫu xét nghiệm ngay đối với toàn bộ công nhân và người lao động của công ty nơi phát hiện F0.
Thành lập Tổ lấy mẫu xét nghiệm cơ động tại các KCN để kịp thời phục vụ công tác điều tra, truy vết, khoanh vùng và xử lý ổ dịch.
Hướng dẫn cho các doanh nghiệp về việc phân luồng cách ly y tế, thiết lập phòng cách ly y tế tạm thời tại công ty khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19, số điện thoại liên hệ và cách xử lý khi người lao động có các dấu hiệu sốt ho, khó thở hoặc liên quan đến nguồn lây. Hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng các chế.
Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN, UBND các huyện, thành phố và doanh nghiệp trong công tác tổ chức phong tỏa tạm thời công ty hoặc toàn bộ phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc của công ty có ca bệnh F0.
Cử lực lượng đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho người lao động, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại khu vực phong tỏa và trong các KCN. Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, các công ty trong việc tổ chức điều tra, truy vết thần tốc F1, F2, F3.
Yêu cầu công ty tiến hành lập danh sách các doanh nghiệp cung ứng lao động, suất ăn và các hàng hóa, dịch vụ khác cho công ty để phục vụ công tác truy vết.
UBND các huyện, thành phố nơi có KCN phát hiện F0 thành lập tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 của huyện để ứng phó với các tình huống khẩn cấp khi phát hiện F0 tại KCN. Chỉ đạo lực lượng giám sát chặt chẽ những người đang được cách ly tại nơi cư trú. Bố trí khu cách ly tập trung trên địa bàn; tổ chức tiếp nhận F1 vào khu cách ly tập trung theo quy định.
Doanh nghiệp nơi phát hiện ca F0 phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh (Sở Y tế, Công an tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh, UBND cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở) tiến hành phong tỏa tạm thời toàn bộ công ty hoặc toàn bộ phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc của công ty có ca bệnh F0 theo quyết định của Ban Quản lý các KCN tỉnh.
Phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành rà soát ngay để phát hiện những công nhân, người lao động đang có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tại công ty và đang ở trong cộng đồng (như: sốt, ho, đau họng, hội chứng cúm, viêm đường hô hấp...).
Tách ngay những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh đang ở tại công ty ra khu vực riêng.
Lập danh sách, địa chỉ cư trú, số điện thoại, phương tiện đi lại (bao gồm cả hãng xe, biển số, người lái xe,… đối với người lao động đi lại bằng xe công cộng) đối với toàn bộ công nhân và người lao động của công ty (bao gồm cả lao động thời vụ); xác minh những công nhân đang vắng mặt tại thời điểm phong tỏa tạm thời.
Gửi danh sách cho Công an tỉnh và Ban Quản lý các KCN tỉnh (chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin nêu trong danh sách).
Tổ chức xét nghiệm COVIDD-19 và chi trả toàn bộ kinh phí xét nghiệm cho công nhân, người lao động của công ty...
Theo baochinhphu.vn