Tổng Liên đoàn Lao động vừa Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến với Liên đoàn Lao động các tỉnh có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, đến ngày 17/5, tỉnh có 4.260 ca F1 đã được cách ly tập trung; có hơn 17.592 ca công nhân lao động là F2 tự cách ly tại nhà. Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đề xuất Tổng Liên đoàn sớm có chính sách hỗ trợ công nhân bị cách ly. Tình hình nhiều công nhân nghỉ việc cách ly lớn, thu nhập giảm sút nghiêm trọng. Thêm vào đó, nhiều gia đình có con nghỉ học bố mẹ là công nhân không có nơi gửi con, không thể tham gia lao động sản xuất. Chính vì vậy, liên đoàn đã làm việc với doanh nghiệp, để doanh nghiệp hỗ trợ, đảm bảo công việc, thu nhập cho lao động. Thực hiện luân phiên, đổi ca, kíp tạo điều kiện cho côn nhân làm việc.
Còn tại tỉnh Bắc Ninh, theo bà Nguyễn Thị Văn Hà, Chủ tịch Liên đoàn tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có hơn có 3.000 F1. Liên đoàn Lao động tỉnh đã làm việc với doanh nghiệp để phòng, chống dịch. Hiện Công đoàn Bắc Ninh cũng đã hỗ trợ hơn 500 triệu đồng cho các khu công nghiệp phòng dịch; đồng thời cũng đang rà soát số ca F1, F2 (và người đang bị phong tỏa) cách ly để có những hỗ trợ kịp thời. Ngày 15/5, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ những lao động là F0 với số tiền là 3 triệu đồng/người; số ca là F1 là 1 triệu đồng/người. Hỗ trợ mỗi lao động là F2 bị cách ly tại nhà là 5kg gạo. Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh kiến nghị: "Tổng Liên đoàn nên sớm có hình thức cụ thể hỗ trợ đoàn viên, công đoàn bị nhiễm hoặc phải cách ly tập trung. Bên cạnh đó có cơ chế hỗ trợ cán bộ công đoàn phòng, chống dịch Covid-19, nhất là với cán bộ công đoàn nhiễm Covid-19".
Sau khi nghe báo cáo tình hình cũng như một số biện pháp hỗ trợ, động viên người lao động tại một số tỉnh, thành phố trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hàng nghìn công nhân lao động đã phải nghỉ việc, cách ly, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống và thu nhập cá nhân., Tổng Liên đoàn Lao động đã quyết định hỗ trợ tài chính cho những công nhân là F0 và F1 trong đợt dịch này.
Cụ thể, với những đoàn viên, người lao động là F0 đang điều trị bệnh, có quan hệ lao động và không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người. Trong khi đó, những trường hợp công nhân là F1 cũng sẽ được hưởng khoản tiền hỗ trợ lên tới tối đa 1,5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng áp dụng mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người đối với đoàn viên, người lao động có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu, có hoàn cảnh khó khăn, lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang ở trong các khu vực bị phong tỏa.
Đối với những trường hợp đặc biệt khác nếu cần hỗ trợ, Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chủ động xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với tình hình thực tế.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đưa ra mức hỗ trợ với người làm nhiệm vụ trực tiếp đi tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, khu công nghiệp; tham gia hỗ trợ truy vết, xét nghiệm, cưỡng chế cách ly y tế; rà soát, thống kê người lao động trong các khu cách ly, khu phong tỏa. Theo đó, những người này sẽ được nhận khoản tiền từ 100.000 - 150.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ lễ, tết; tổng số tiền 1 người được nhận không quá 2 triệu đồng.
Cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sẽ được hỗ trợ từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết; tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người.
Hải Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-nhan-la-f0-f1-se-duoc-ho-tro-tu-1-3-trieu-dong-a553983.html