Công an TP.HCM cảnh báo "cạm bẫy" từ các sàn đầu tư tiền ảo

Công an TP.HCM cho rằng người lập ra sàn đầu tư tiền ảo có thể đánh sập hệ thống bất cứ lúc nào hoặc hạ giá đồng tiền kỹ thuật FXT Token để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Công an TP.HCM cho biết thời gian qua trên không gian mạng xuất hiện nhiều sàn kinh doanh ngoại hối (Forex) trái phép. Các nhóm hội liên quan hoạt động này cũng được thành lập với rất nhiều thành viên tham gia.

Người lập các sàn kinh doanh này tìm cách quảng bá, mời chào, lôi kéo người dân đầu tư vào các sàn ngoại hối trái phép (trong đó có nhóm Lion Teams và sàn giao dịch ngoại hối trái phép Fxtradingmarkets), gây nhiều rủi ro về kinh tế cho người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Với sàn ngoại hối Fxtradingmarkets, công an cho rằng các đối tượng sử dụng tên miền Fxtradingmarkets.com, đăng ký và đặt máy chủ tại Mỹ. Để giao dịch, người tham gia phải đăng ký mở tài khoản trên sàn Fxtradingmarkets và bắt buộc phải có thông tin mã ID của người giới thiệu cấp trên.

Nhằm thu hút người tham gia, sàn Fxtradingmarkets sử dụng phương thức kinh doanh đa cấp. Cụ thể, hệ thống của sàn có 5 cấp bậc và cấp trên sẽ được thưởng hoa hồng dựa vào số lượng giao dịch/nạp tiền của cấp dưới.

Hiện nay, sàn Fxtradingmarkets tổ chức cho người tham gia giao dịch theo hình thức quyền chọn nhị phân (Binary option) với 8 cấp ngoại tệ. Trong thời gian 30 giây, người tham gia sẽ đặt lệnh dự đoán tỷ giá cặp ngoại tệ lên hoặc xuống, nếu đoán trúng sẽ được thêm 95% giá trị đặt cọc, nếu thua sẽ mất tiền cược. Số tiền cược từng lệnh giao dịch thông qua 1 ví tiền kỹ thuật số (mã FXT token) do các đối tượng quản trị sàn Fxtradingmarkets tạo ra. Để nạp và rút tiền trên sàn, người chơi phải có tài khoản tại website Fxexchange.io hoặc bilaxy.com.

Còn đối với nhóm Lion Teams, nhà chức trách xác định nhóm này được lập ra với mục đích quảng bá, mời chào người tham gia tại sàn Fxtradingmarkets. Họ tổ chức hội thảo ở nhiều tỉnh, thành, live stream hướng dẫn giao dịch trên các ứng dụng mạng xã hội (Facebook, Youtube).

Các đối tượng còn lập nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook thu hút số lượng lớn người tham gia đầu tư.

Công an xác định những người quản trị sàn Fxtradingmarkets hiện tại có dấu hiệu tạo lập sàn giao dịch ngoại hối mới tại địa chỉ website sp500stock.com (đăng ký ẩn danh từ cuối năm 2020) với giao diện và chức năng tương tự sàn Fxtradingmarkets nhằm che dấu hoạt động, trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Họ có thể đánh sập hệ thống, hạ giá đồng tiền kỹ thuật FXT Token để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. 

Gần đây nhất, sàn đầu tư Busstrade đột ngột bốc hơi khiến hàng chục nghìn người đầu tư vào sàn này điêu đứng. Hàng loạt người đã kéo tới Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để gửi đơn tố giác về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư tài chính trên sàn Busstrade.

Cầm tờ đơn trên tay, chị T., quê Long An chưa hết hoang mang sau khi sàn Busstrade không thể truy cập vào ngày 7/5. Người đứng đầu sàn thì bỗng dưng mất liên lạc.

Hàng chục người đến trước Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM gửi đơn tố giác về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư tài chính trên sàn Busstrade. Chị T. cho biết, tháng 10/2020 chị bắt đầu tham gia sàn Busstrade với lời cam kết lãi từ 5-8% hàng tuần, 20-30%/tháng. Quảng cáo từ sàn Busstrade "nổ" đây là sàn quốc tế, có trụ sở chính ở nước Anh. Khi đầu tư, nhà đầu tư đóng bảo hiểm theo quy định của Elite Team thì được bảo hiểm vốn 100%.

cool-1-1622105750.jpg
Các nhà đầu tư tiền ảo Coolcat gửi đơn tố cáo đến Công an TP.HCM. Ảnh: Zing

Cũng theo chị T., khi tham gia vào Busstrade, nhà đầu tư không cần kiến thức tài chính mà chỉ việc bấm lệnh theo "thầy". Hàng ngày, "thầy" sẽ lên các ứng dụng như facebook, zalo phổ cập kiến thức, kêu gọi nhà đầu tư nạp tiền và đi "săn". Busstrade quảng cáo, nếu chăm chỉ đi "săn" liên tục, người chơi sẽ thu về 1 - 2% lợi nhuận.

"Đến ngày 6/5/2021, sau nhiều lần nâng vốn và gộp lãi thì tổng số tiền trong tài khoản chính của tôi trên 2,1 tỷ đồng. Nhưng trong ngày đó, tôi buộc phải chuyển số tiền này sang BToken do hướng dẫn từ Elite Team và yêu cầu từ sàn qua thông báo là sẽ đóng sau ngày đó. Tôi buộc phải làm như vậy để có cơ may giữ lại tài sản cho mình. Sau đó, ngày 7/5 thì sàn đóng. Sau khi xâu chuỗi lại các sự kiện trước đó, tôi thấy tôi đã bị lừa", chị T. nói.

Trước đó chưa đầy 1 tháng, cũng tại TP.HCM, cơ quan cảnh sát điều tra đã tiếp nhận khoảng 600 đơn tố cáo sàn giao dịch Coolcat có dấu hiệu lừa đảo với tổng tài sản ước lượng khoảng 200 tỷ đồng. 

Theo đó, có đến hàng nghìn người trải dài từ Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nội, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Dương, TP.HCM, Hậu Giang...tham gia đầu tư trên sàn giao dịch này. Cũng giống như Busstrade, Coolcat cũng được cam kết bảo hiểm 100% vốn, đầu tư là thắng 100% với lợi nhuận cực khủng.

Theo các nạn nhân, Coolcat có 2 website chính là https://www.coolcat.com.vn và https://coolcatvietnam.com (các trang này hiện không thể truy cập). Chỉ cần người chơi vào đó và tải phần mềm Coolcat vào điện thoại di động, đăng nhập bằng số điện thoại của mình là có thể bắt đầu chơi.

Thế nhưng vào đêm 17/4, nhiều người không thể truy cập vào tài khoản của mình trên app điện thoại, 2 website trên của Coolcat cũng không thể truy cập.

Sở dĩ sàn Coolcat hấp dẫn vì đã dùng chiêu quảng cáo hấp dẫn nhà đầu tư đó là lợi nhuận cao, dù giao dịch thua vẫn được bảo hiểm 100% vốn, tức "an toàn tuyệt đối".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, từng khẳng định: "Bất kỳ ứng dụng nào có các biểu hiện như cam kết thắng 100%, đưa ra hàng loạt các ưu đãi hấp dẫn, thậm chí còn cho khách rút tiền ngay lập tức để tạo dựng lòng tin chắc chắn đều là lừa đảo". Theo ông Doanh, hầu hết những người sập bẫy đều do bị lợi nhuận khủng làm cho mờ mắt và không có hiểu biết cơ bản về kinh tế. Họ không nắm được lợi nhuận từ đâu ra và có gì đảm bảo an toàn. "Không có một hoạt động đầu tư nào mà cho tỷ suất lợi nhuận lớn đến như vậy, không có hoạt động kinh doanh nào có thể đem lại lợi nhuận thần tốc đến như thế. Do đó, bất kỳ một sự vụ nào có biểu hiện trên đều có dấu hiệu lừa đảo, người đầu tư cần tuyệt đối cảnh giác”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, giới luật sư nhận định, việc kiện được các ứng dụng này là rất khó vì bản thân nhiều người biết đây là ứng dụng kiếm tiền dạng đa cấp, lấy tiền người trước trả cho người sau. Trong khi đó, việc đòi lại số tiền chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo gần như là bất khả thi vì tiền sau khi chuyển vào tài khoản của đối phương thì ngay lập tức chảy vào tài khoản PayPal và tiếp tục chuyển đến trang tiền ảo Bitcoin ở nước ngoài.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho biết, khi vụ việc được sáng tỏ, bắt được kẻ chủ mưu thì đương nhiên họ sẽ bị xử lý theo pháp luật. Họ buộc phải trả cho các nhà đầu tư số tiền đã chiếm đoạt. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, việc khắc phục hậu quả là rất khó khăn bởi thường họ đã sử dụng số tiền này vào các mục đích khác nhau rất khó thu hồi.

Như trong vụ Coolcat, lãnh đạo công an TP.HCM đã khẳng định: "CQĐT đã tiếp nhận đơn khiếu nại của các nạn nhân theo quy trình đơn thư tố cáo tội phạm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bản chất của sự việc và tội phạm về an ninh mạng rất phức tạp vì nó ẩn danh nên phải có thời gian để điều tra, không thể trả lời ngay được".

Hải Đăng (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-an-tphcm-canh-bao-cam-bay-tu-cac-san-dau-tu-tien-ao-a554188.html