TS.BS Vũ Đình Phú - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: Mặc dù cuộc chiến với dịch bệnh lần này còn nhiều khó khăn, cam go, thách thức và thường trực hiểm nguy nhưng đã có những sinh mạng được giành giật khỏi lưỡi hái của “tử thần” COVID-19. Những tín hiệu vui này cho chúng ta thêm niềm tin để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng đại dịch.
Theo BS. Phú, trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị ở bệnh viện, có 5 bệnh nhân mắc bệnh rất nặng, phải thở máy, có những lúc tưởng chừng như không thể qua khỏi nhưng đến giờ phút này sức khoẻ đã có nhiều tiến triển tốt.
Người trẻ mắc COVID-19 không bệnh nền, diễn biến nặng
BS. Phú chia sẻ về trường hợp nữ bệnh nhân N.T.P (nữ, 32 tuổi, ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), vốn có tiền sử khoẻ mạnh. Trước đó chị P. có tiếp xúc trực tiếp với người mắc COVID-19 ngày 26/4. Chỉ 2 ngày sau, bệnh nhân sốt, ho húng hắng, chảy nước mũi, không khó thở, không tức ngực. Ngày 01/5 bệnh nhân được cách ly đến 02/5 xét nghiệm PCR SARS-Cov-2 cho kết quả dương tính và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 03/5.
"Bệnh nhân sốt cao, tình trạng suy hô hấp tăng phải thở oxy từ 08/5, đến 10/5 phải thở máy không xâm nhập HFNC và chuyển khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị thở máy HFNC, corticoid, thuốc phòng chống huyết khối, sau 4 ngày tình trạng hô hấp dần hồi phục, được chuyển thở oxy kính" - BS. Phú thông tin.
Sau quá trình điều trị sát sao, tích cực, đến ngày 16/5 bệnh nhân được ngừng thở oxy, toàn trạng ổn định. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi sát, đến 19/5 bệnh nhân không sốt, không khó thở, toàn trạng ổn định, tự đảm bảo ăn uống sinh hoạt cá nhân, được chuyển khoa khác theo dõi điều trị tiếp.
Bệnh nhân COVID-19 trẻ tuổi thứ 2 là nam bệnh nhân T.V.C (39 tuổi, quê ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) vào viện vì mệt mỏi, ăn kém, vàng mắt vàng tăng dần, tiểu sẫm màu, kèm tiêu chảy. Trước đó, bệnh nhân tự mua thuốc nam uống 1 tháng nhưng không đỡ. Bệnh nhân vào Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn huyết, xơ gan, suy gan cấp, tình trạng bệnh nhân cải thiện chậm.
Ngày 5/5, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 39 độ C, xét nghiệm Realtime PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được dùng phác đồ điều trị COVID-19, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân sốt cao liên tục, mệt mỏi nhiều, kèm khó thở và được chuyển khoa Cấp cứu ngày 11/5 với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, suy gan, nhiễm COVID-19. Sau điều trị 3 ngày bệnh nhân nhanh chóng đi vào hôn mê, suy hô hấp nặng, được đặt ống nội khí quản chuyển khoa Hồi sức tích cực ngày 13/05.
BS. Phú cho hay, bệnh nhân này được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, duy trì kháng sinh, bù dịch, dinh dưỡng. Nhờ những nỗ lực trong điều trị của các thầy thuốc, tri giác bệnh nhân dần cải thiện, bệnh nhân tỉnh táo, hợp tác tốt, chức năng hô hấp tốt lên. Bệnh nhân được cai thở máy, rút ống nội khí quản và chuyển thở ôxy kính, tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực 4 ngày.
Ngày 19/5 tình trạng bệnh nhân ổn định, tự đảm bảo ăn uống sinh hoạt cá nhân, được chuyển khoa khác theo dõi điều trị tiếp.
Nhiều ca suy hô hấp nặng, thở máy
Sống trong vùng đang có dịch COVID-19, bệnh nhân V.T.S (nam, 46 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) xuất hiện sốt, ho khạc đờm nhiều, đau rát họng, tức ngực, khó thở, kèm đi ngoài phân lỏng 3 lần/ngày và nổi ban đỏ 2 tay, chân. Kết quả xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 dương tính. Ngày 09/5 bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ngày 10/5 bệnh nhân suy hô hấp tăng, thở máy không xâm nhập HFNC đáp ứng kém, được đặt ống nội khí quản chuyển khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, kháng sinh, corticoid, thuốc phòng chống huyết khối, dinh dưỡng. Sau 9 ngày điều trị hồi sức tích cực, tình trạng bệnh dần cải thiện, bệnh nhân cai được thở máy, rút ống nội khí quản và thở oxy ngày 19/5, đến 22/5 ngừng được thở oxy.
Ngày 25/5 tình trạng bệnh nhân ổn định, không sốt, không khó thở, tự đảm bảo ăn uống sinh hoạt cá nhân, được chuyển khoa khác theo dõi điều trị tiếp.
Cũng sống trong vùng đang có dịch COVID-19 ở Thuận Thành, Bắc Ninh, ngày 3/5, bệnh nhân N.D.T (nam, 54 tuổi) xuất hiện sốt, ho khan. Ngày 9/5 xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính được điều trị tại Bệnh viện địa phương. Chỉ một ngày sau đó, bệnh nhân xuất hiện khó thở được chuyển đến điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tình trạng suy hô hấp ngày càng tăng, ngày 12/5 bệnh nhân được đặt ống nội khí quản chuyển khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, kháng sinh, corticoid, thuốc phòng chống huyết khối, dinh dưỡng. Tình trạng hô hấp của bệnh nhân cải thiện.
Đến 19/5 bệnh nhân được dừng thở máy, rút ống nội khí quản chuyển thở oxy, đến 22/5 bỏ được thở ôxy. Ngày 25/5 bệnh nhân không sốt, không khó thở, toàn trạng ổn định, tự đảm bảo ăn uống sinh hoạt cá nhân, được chuyển khoa khác theo dõi điều trị tiếp.
Bệnh nhân thứ 5 N.X.T (nam, 47 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) có tiền sử viêm gan virus B mạn phát hiện từ 2008, hiện tại không dùng thuốc kháng virus. Khoảng 5 ngày sau phơi nhiễm, ngày 05/5 bệnh nhân xuất hiện sốt, ho đờm, đau họng, đau mỏi người, đi phân lỏng 2-3 lần/ngày. Một ngày sau, xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính, anh T. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị.
Theo BS. Phú, tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân tiến triển nhanh, được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 12/5 trong tình trạng tỉnh, mệt, suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi, suy hô hấp cấp, COVID-19, được thở máy oxy dòng cao HFNC, nằm sấp, kháng sinh, corticoid, thuốc phòng chống huyết khối.
Tuy nhiên, bệnh nhân không cải thiện, mệt nhiều, suy hô hấp nặng hơn, ngày 13/5 được đặt ống nội khí quản chuyển khoa Hồi sức tích cực. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực thở máy, kháng sinh, corticoid, thuốc phòng chống huyết khối, dinh dưỡng. Sức khỏe sau đó dần cải thiện.
Sau 10 ngày hồi sức tích cực, bệnh nhân được cai thở máy chuyển thở oxy ngày 23/5, đến 25/5 bỏ được thở oxy. Ngày 26/5 bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, không khó thở, toàn tạng ổn định, tự đảm bảo ăn uống sinh hoạt cá nhân, được chuyển khoa khác theo dõi điều trị tiếp.
TS.BS. Vũ Đình Phú nhấn mạnh, 5 bệnh nhân trên là 5 bệnh nhân đầu tiên mắc COVID-19 nặng nhất, phải thở máy đã được bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị thành công trong làn sóng COVID-19 thứ 4.
Ngoài 5 bệnh nhân trên, hiện khoa đang tiếp tục điều trị cho 20 bệnh nhân thở máy, 3 bệnh nhân phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là thành trì chống dịch, từ khi xảy ra dịch ở Việt Nam đến nay bệnh viện đã điều trị cho 917 ca COVID-19 (trong đó có 288 bệnh nhân đang điều trị), điều trị khỏi cho 576 bệnh nhân, 44 bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện viện khác để theo dõi tiếp.
Dương Hải - Sức khỏe & Đời sống
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/5-benh-nhan-covid-19-tho-may-nguy-kich-da-tu-coi-chet-tro-ve-a554196.html