Sinh viên ở tâm dịch: Mồ hôi ướt sũng, lưng phồng rộp, trắng đêm lấy mẫu

Giữa tâm dịch Bắc Giang, hàng trăm sinh viên tình nguyện trường Y, Dược làm việc liên tục hơn 18 tiếng đồng hồ cả ngày lẫn đêm kịp lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

2h sáng, đôi mắt của Trần Thanh Ngọc - sinh viên lớp Xét nghiệm, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cay xè, đỏ ửng. Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở tâm dịch Bắc Giang, thi thoảng nữ sinh nhắm nghiền mắt, lắc đầu vài cái để tỉnh táo hơn.

Để đảm bảo an toàn, Ngọc phải đeo hai găng tay cao su và mặc bộ đồ bảo hộ bằng nilon kín mít từ đầu đến chân suốt 15 tiếng/ngày. Thời tiết nóng bức, mồ hôi ướt sũng, từ đầu, trán chảy xuống liên tục khiến mắt khiến em cay xè và cảm nhận được vị mặn chát ở khoé miệng. Bàn tay em nhăn nheo vì đeo găng tay.

1885394642810313437-11235837-1622276293.jpg

Tay của sinh viên tình nguyện đều nhăn nheo vì liên tục đeo găng trong thời tiết nóng bức.

Đã ba đêm liên tục Ngọc và hơn 100 bạn sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương không được ngủ tròn giấc. Giấc ngủ dài nhất của em những ngày qua chỉ vỏn vẹn gần 4 tiếng đồng hồ. Sự gấp rút và tinh thần chống dịch không nề hà của y bác sĩ hằng ngày giúp Ngọc phần nào quên cảm giác chân mỏi nhừ và cổ họng khô khốc.

10 ngày từ khi bùng dịch đến nay, Bắc Giang xuất hiện tới 3 ổ dịch COVID-19 với số ca lây nhiễm lên đến hơn 1.000 trường hợp. Nhiệm vụ của Ngọc và sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho khoảng 20.000 người dân của hai thôn Trung Đồng (xã Vân Trung) và thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu) - cạnh hai khu công nghiệp lớn nhất Bắc Giang. Mọi thứ diễn ra vô cùng căng thẳng và khẩn trương.

Đây là lần thứ 2 Ngọc cùng các bạn được tham gia vào quá trình lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ các địa phương chống dịch. Lần trước là vào đầu tháng 1/2021 tại ổ dịch Chí Linh (Hải Dương). Khoảng thời gian đỉnh điểm nhất khi đó em và các bạn làm việc liên tục trong 20 tiếng đồng hồ lấy mẫu xét nghiệm, ghi chép thông tin khai báo.

Trải qua đợt thực địa trước, lần này Ngọc và nhóm bước vào "trận địa" lấy mẫu xét nghiệm cho 20.000 không còn khó khăn hay lo sợ, mà thay vào đó là sự thoải mái, tự tin và thao tác kỹ thuật chính xác hơn rất nhiều

dap-dich-11204618-1622276252.jpg

Nhóm sinh viên tranh thủ nghỉ ngơi để lấy sức làm việc.

Nguyễn Phúc Đăng Ninh, sinh viên năm cuối Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương ngồi gục xuống bậc thềm Nhà văn hoá thôn Vân Cốc (xã Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang). Bộ quần áo của Ninh cũng ướt đẫm mồ hôi vì thời tiết nắng nóng. Ninh và các bạn sinh viên tình nguyện đã làm việc liên tục hơn 18 tiếng đồng hộ giữa cái nóng 38 độ C. Phơi nắng cả ngày dưới lớp áo đồ bảo hộ khiến lưng của Ninh phồng rộp và cháy xạm.

Xác định khối lượng công việc lớn, vất vả, Ninh và các bạn chia nhóm làm việc luân phiên làm một ngày sẽ được nghỉ một ngày để đảm bảo tiến độ và sẵn sàng lên đường đến các điểm nóng theo sự huy động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Nhiều bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm tham gia chống dịch ở các lần trước, ban đầu rất bỡ ngỡ, có bạn nói không theo được vì guồng công việc quá áp lực, chưa thể quen như những anh chị, nhân viên y tế. Nhưng mỗi người tự động viên nhau, giúp đỡ thì các bạn sinh viên mới cũng dần quen và bắt kịp được với guồng quay giữa tâm dịch.

Trước khi tham gia vào những “trận chiến thực sự” này, nhóm của Ninh được tập huấn kỹ càng từ việc mặc và cởi đồ bảo hộ, đến quy trình lấy mẫu xét nghiệm… Những công việc này em được tập huấn từ đợt dịch hồi Tết ở Hải Dương, vì thế, em và các bạn đều thực hiện nghiêm các quy tắc để tự bảo vệ mình và những người xung quanh.

1622094905342-1622088799610-19126542512867318250620967390220574922664008n-1622018506893837419524-1622085370146522510481-11185595-1622276342.jpg

Lưng của Ninh rộp lên và cháy xạm đi vì nắng nóng.

Nam sinh trường Y chia sẻ, đợt dịch lần này ở Bắc Giang quy mô và mức độ nguy hiểm lớn hơn Hải Dương rất nhiều lần, khối lượng công việc luôn đổ dồn về mỗi ngày. Chúng em vừa làm việc, vừa tự động viên bản thân mỗi ngày cố gắng thêm một chút để sớm hoàn thành, không làm chậm tiến độ công tác phát hiện, truy vết và chống dịch chung trên toàn tỉnh.

Tương tự sinh viên, giảng viên khoa Xét nghiệm cũng gặp phải không ít khó khăn. Các thầy cô cũng được chia nhóm, vừa đi kèm sinh viên lấy mẫu cộng đồng, vừa tham gia các hoạt động xét nghiệm ở bệnh viện dã chiến và cả công việc ở lab của CDC Hải Dương.

Cô Hoàng Thị Hằng, giảng viên khoa Xét nghiệm, cho biết có hôm làm trong lab 8 tiếng, khi về đến phòng nghỉ cô chỉ muốn đặt lưng ngủ. Cũng có hôm 4h30 sáng cô mới về. Phòng lab lúc nào cũng sáng đèn, bất kể đêm hay ngày.

"Với số ca mắc COVID-19 và số lượng F1, F2 quá lớn trong cộng đồng, chúng tôi chỉ hy vọng có đủ nhân lực để xét nghiệm. Tôi không sợ bản thân dương tính. Cái tôi sợ nhất là nếu mình mắc, cả kíp đi cùng sẽ phải cách ly trong khi đang thiếu người làm, rồi liên luỵ đến cả gia đình họ", cô Hằng nói.

Giờ đây, ở nhiều nơi, trận chiến COVID-19 đang nóng như chảo lửa. Là giảng viên trường y, cô luôn  ý thức được việc phải đi đầu trong việc chống dịch và thể hiện trách nhiệm của bản thân trong giai đoạn này. Dù ở bất kỳ đâu, khi có sự kêu gọi của Tổ quốc, thầy và trò trường y đều sẵn sàng tham gia.

VTC NEWS

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sinh-vien-o-tam-dich-mo-hoi-uot-sung-lung-phong-rop-trang-dem-lay-mau-a554260.html