Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ "kêu trời" vì hình ảnh của mình bị ăn cắp để quảng cáo cho những nhãn hàng, sản phẩm mà mình không hay biết.
Người ta lý giải rằng, hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng dễ "ăn khách" nên nhiều đơn vị kinh doanh đã cầm nhầm hình ảnh nghệ sĩ để quảng cáo bán hàng "thượng vàng hạ cám" khiến cho khổ chủ khi biết sự việc mới ngã ngửa thắc mắc: Mình có đồng ý PR cho họ bao giờ đâu mà lại được đưa ra quảng cáo sản phẩm như vậy?
Mới đây nhất, vào sáng 2/6, H'Hen Niê cho biết hình ảnh của cô đang bị sử dụng trên một sản phẩm được rao bán tràn lan. Trên mạng xã hội, sản phẩm được quảng cáo là thuốc hỗ trợ sinh lý dành cho nam giới, làm từ nguyên liệu thiên nhiên.
"Đây là sản phẩm không rõ của nguồn gốc và sử dụng trái phép hình ảnh của Hen. Lúc đầu Hen và ê-kíp cố gắng tự tìm hiểu và muốn nhờ doanh nghiệp gỡ hình ảnh xuống. Nhưng sản phẩm không có thông tin trên bao bì nên đã để chuyện này kéo dài từ lâu. Nếu ai đã sử dụng và tin sản phẩm vì có hình ảnh Hen, Hen gửi lời xin lỗi trước. Xin lỗi mọi người về thông tin không hay ho này", Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 bày tỏ.
Ngày 1/6, nghệ sĩ Quyền Linh cũng đã bức xúc vì hình ảnh bị dùng trái phép để quảng cáo cho thuốc trị xương khớp, ung thư, trĩ, hôi nách... gây hiểu lầm.
Anh cho biết, mình bị nhiều người sử dụng hình ảnh để quảng cáo cho một số loại thuốc. Đồng thời khẳng định bản thân chỉ giới thiệu những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, từng sử dụng.
Nam MC nói: "Linh chưa bao giờ ký hợp đồng quảng cáo hoặc mua bán với các loại thuốc nhạy cảm như: xương khớp, ung thư, trĩ nội trĩ ngoại, hôi nách, bướu cổ, tuyến giáp... Nếu họ cố tình ghép hình Linh để trục lợi thì đó là những kiểu kinh doanh cẩu thả, không có đạo đức".
Không chỉ có Quyền Linh mà nhiều nghệ sĩ là những ngôi sao càng nổi tiếng, hay những gương mặt đang hút truyền thông càng dễ trở thành nạn nhân để các đối tượng sử dụng trái phép hình ảnh với mục đích thương mại. Có thể kể đến như: NSND Lan Hương, ca sĩ Mỹ Linh, MC Lại Văn Sâm, NSND Công Lý, MC Thảo Vân, diễn viên Bảo Thanh... đều bị một "vố đau" khi tự nhiên thấy mình đang cầm sản phẩm quảng cáo mà nhãn hàng không xin phép.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, NSND Lan Hương cho biết: "Tôi đã không dưới 2 lần lên mạng xã hội nói về việc mình bị một số nhãn hàng lợi dụng hình ảnh để quảng cáo.
Họ ngang nhiên cắt ghép hình ảnh nghệ sĩ với những sản phẩm không rõ nguồn gốc. Có hôm đang ngồi ở nhà, một người bạn có gọi điện nói, là dùng vitamin này tốt không, thấy quảng cáo cho họ đây này, thế mới tá hoả ra việc họ dùng hình ảnh trái phép. Hay từ phim Sống chung với mẹ chồng xong, họ còn dùng hình ảnh bà mẹ chồng trong phim quảng cáo cho các sản phẩm như: Nấm linh xanh, mỹ phẩm, quần áo...
Tôi biết được và rất bức xúc vì chuyện này. Tôi cũng định làm to chuyện nhưng ngay khi viết trên trang cá nhân thì có đơn vị gỡ bỏ, có đơn vị gọi điện đến xin lỗi. Vậy là cũng được rồi. Thật ra, họ cứ sử dụng bừa bãi hình ảnh của nghệ sĩ như vậy, khách hàng sẽ mất niềm tin, họ mất nhiều chứ không được gì cả".
Còn MC Thảo Vân thì bị cắt ghép hình ảnh tinh vi hơn, chị từng quay quảng cáo cho một spa ở Hà Nội nhưng sau đó đã bị một spa khác lấy hình ảnh này để quảng cáo cho mình.
"Tôi không biết chuyện này cho đến khi có người nói mới biết, họ cắt ghép tinh vi đến từng cách nhả chữ, giọng điệu như tôi đang quảng cáo cho spa này thật. Sau đó, tôi và spa quay quảng cáo có làm việc với spa "đểu" này thì họ có gỡ hình ảnh và xin lỗi.
Đây là cách làm chụp giật, làm nhiều nghệ sĩ điêu đứng vì nếu vi phạm quảng cáo cho nhiều nơi (cùng 1 sản phẩm) sẽ dẫn đến vi phạm hợp đồng, nghệ sĩ sẽ phải bồi thường.
Nói chung một thương hiệu, sản phẩm mà có cách làm ăn nhập nhèm, không minh bạch từ cách PR như thế thì khó sẽ làm ăn chân chính, khó có những sản phẩm chất lượng được" - MC Thảo Vân tâm sự.
Lý giải việc vì sao nhiều năm nay một số nhãn hàng hay "chôm chỉa" hình ảnh của nghệ sĩ nhưng không được xử lý đến nơi đến chốn, NSND Công Lý cho hay: "Các nhãn hàng dùng hình ảnh "chùa", dùng hình ảnh không xin phép rất non gan. Nghệ sĩ chỉ cần lên tiếng, nói vài câu trên mạng xã hội là đã sợ chạy "mất dép" gỡ hình ảnh ngay.
Đa số những nghệ sĩ bị lợi dụng hình ảnh thường "kêu ca" lên mạng xã hội là các đơn vị sử dụng hình ảnh trái phép kia đã gỡ bài, xin lỗi, chưa đến mức phải đưa ra pháp luật.
Bản thân tôi sau khi tham gia phim Những cô gái trong thành phố, hình ảnh Lâm "đồ tể" cầm dao đã lan truyền trên mạng xã hội, có một đơn vị bán dao đã lấy hình ảnh này. Hay các sản phẩm sâm, thuốc dạ dày, mọc tóc cũng dùng hình không xin phép.
Tôi biết có nhiều điều khoản để có thể kiện các đơn vị sử dụng hình ảnh trái phép, tuy nhiên, các sự việc của nhiều nghệ sĩ chưa cần đến các biện pháp mạnh hơn, bởi chỉ đưa sự việc lên mạng xã hội là hình ảnh đã bị gỡ rồi.
Tuy nhiên, nghệ sĩ vẫn bực mình vì vướng phải những ồn ào không đáng có. Chúng tôi hy vọng, các nhãn hàng làm ăn tử tế, thì mới tồn tại lâu được".
Diễn viên Bảo Thanh cũng từng bức xúc muốn kiện một số nhãn hàng khi sử dụng hình ảnh của mình không xin phép: "Họ ngang nhiên lấy hình ảnh cá nhận của tôi đi quảng cáo sản phẩm, tôi có lên trang cá nhân phản ứng, nhưng họ đã điện thoại đến xin lỗi, xin bỏ qua vì... nhân viên không biết nên vô tư lấy hình ảnh.
Đa số nghệ sĩ khi nhãn hàng gỡ hình ảnh quảng cáo trái phép xuống là họ thôi không kiện cáo nữa, vì ngại mất thời gian, ngại lằng nhằng. Bản thân Bảo Thanh khi quảng cáo cho nhãn hàng phải có nhiều điều khoản cụ thể. Vì thế khi bị nơi khác lấy hình ảnh thì rất khó chịu, nếu họ không gỡ hình ảnh, tôi sẽ làm đến cùng".
Chia sẻ về vấn đề nghệ sĩ bị lợi dụng hình ảnh quảng cáo không xin phép, ông Phạm Cao Thái, Chánh thanh tra bộ VH,TT&DL cho PV Người Đưa Tin Pháp Luật biết: "Tôi cũng biết nhiều nghệ sĩ từng than trời vì việc bị lạm dụng hình ảnh để PR cho sản phẩm mà không được xin phép. Lĩnh vực quảng cáo được giao cho ngành văn hóa quản lý. Với những vi phạm của văn hóa này, nghệ sĩ đều có thể báo tới thanh tra các sở VH,TT để được thụ lý, giải quyết nhưng được chia theo cấp địa phương.
Nếu nghệ sĩ hay người nổi tiếng bị mạo danh, bị lấy cắp hình ảnh để quảng cáo có thể báo cáo vụ việc tới thanh tra sở VH.TT (hoặc sở VH,TT&DL) địa phương. Trong trường hợp, vi phạm xảy ra trên không gian mạng có thể báo cáo tới Sở TT-TT địa phương. Cần làm rốt ráo, cũng cần có những vụ việc bị phanh phui thì nhãn hàng mới sợ mà có cách kinh doanh đúng pháp luật".
Chuyên gia truyền thông Minh Hoàng nói về việc nhiều nhãn hàng cứ "nhơn nhơn" lấy hình ảnh của nghệ sĩ để PR: "Nói không ngoa rằng, các nghệ sĩ phải tự trách mình đi đã, vì có rất nhiều người nhiều lần bị lấy hình ảnh nhưng họ không làm đến cùng, không kiện cho ra nhẽ, đó là lý do mà chuyện này là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Vì nghệ sĩ nương tay cho họ, nên họ thấy dễ mà "làm càn", nghĩ chắc nếu vi phạm thì gỡ hình ảnh và xin lỗi là được thôi. Nếu làm mạnh, nhãn hàng sẽ sợ ngay, nhưng chính bản thân người nổi tiếng cũng chỉ lên tiếng ở trang cá nhân, cùng lắm là lên truyền thông chứ chưa có ai kiện nhãn hàng về việc bị sử dụng hình ảnh trái phép. Tiên trách kỷ hậu trách nhân là vậy".
Luật sư Đặng Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ, khoảng 4 năm trở lại đây, khi công nghệ thông tin, công nghệ không dây phát triển như vũ bão tại Việt Nam thì các nghệ sĩ mới bị các nhãn hàng dùng hình ảnh của mình để quảng cáo sản phẩm trên Facebook, Youtube... nhưng pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận một vụ án điểm nào liên quan đến việc nghệ sĩ kiện nhãn hàng dùng hình ảnh trái phép.
"Nếu nhãn hàng làm sai, thì nghệ sĩ kiện là chuyện đương nhiên, nhưng ở Việt Nam chưa có vụ kiện nào như vậy. Việc đưa người đại diện thương hiệu sản phẩm ra toà không khó, không có vướng mắc gì nhưng chưa nghệ sĩ nào làm. Nếu đủ các yếu tố tố tụng thì toà án sẽ xử đúng luật, đúng người đúng tội chứ không gây khó dễ cho ai"- Luật sư Cường cho biết.
Sử dụng hình ảnh không xin phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ hành vi vi phạm, cũng như hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 51, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, thì hành vi Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định đối với việc quảng cáo của thương nhân. Nếu hành vi có dấu hiệu quảng cáo gian dối về hàng hóa dịch vụ, hình ảnh quảng cáo không đúng với thực tế và chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối quy định tại Điều 197, Bộ luật hình sự”.
Hoặc theo điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật
Đinh Lạc Thành - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nghe-si-dieu-dung-vi-quang-cao-lao-loi-tai-nghe-si-a554537.html