Hàng loạt hóa chất gây hại trong vật liệu sản xuất đồ chơi nhựa dành cho trẻ

Mỗi ngày, có hàng nghìn món đồ chơi nhựa cho trẻ được nhập khẩu hoặc nhập lậu vào nước ta. Đa số các cửa hàng đều lựa chọn các loại đồ chơi có giá thành thấp, không rõ nguồn gốc, hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc để kinh doanh, nhằm đánh vào tâm lý “ham rẻ” của người dân. Vì vậy, hệ lụy tới sức khỏe con trẻ là khôn lường.

Theo các nhà nghiên cứu Đại học Michigan (Hoa Kỳ) cùng Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đã phân tích dữ liệu về hàm lượng và chức năng hóa học được tìm thấy trong đồ chơi bằng nhựa, đồng thời định lượng mức độ phơi nhiễm của trẻ em và các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Họ xếp hạng các hóa chất theo mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe và so sánh các kết quả này với danh sách các chất ưu tiên hiện có trên khắp thế giới.

74-768x576-1622794873.jpg

Kết quả cho thấy, trong số 419 hóa chất được tìm thấy trong vật liệu nhựa cứng, mềm và xốp được sử dụng trong đồ chơi trẻ em, có tới 126 hóa chất có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ em thông qua các tác động gây ung thư hoặc các tác hại khác. Các hóa chất này có trong 31 chất làm dẻo, 18 chất chống cháy và 8 chất tạo mùi thơm…

Những hóa chất này có liều lượng phơi nhiễm ước tính vượt quá liều lượng tham chiếu theo quy định, nguy cơ ung thư vượt quá ngưỡng rủi ro quy định. Các chuyên gia nhấn mạnh, những chất này nên được ưu tiên loại bỏ trong vật liệu đồ chơi và thay thế bằng các chất thay thế an toàn và bền vững hơn.

Để tìm hiểu chính xác các tác hại của chất hóa học có trong đồ chơi với trẻ, các nhà khoa học đã tổng hợp từ 25 nghiên cứu khác nhau, tìm hiểu đặc điểm vật liệu và cách sử dụng đồ chơi: Thời gian một đứa trẻ thường chơi với một món đồ chơi, có cho vào miệng hay không và số lượng đồ chơi được tìm thấy trong một hộ gia đình. Kết quả cho thấy, trung bình trẻ em ở các nước phương Tây có khoảng 18kg đồ chơi bằng nhựa. Trong đó có các hóa chất mà có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe của trẻ em: Phthalate, chất chống cháy brom hóa, ngoài ra còn có hai chất hóa dẻo butyrate TXIB và citrate ATBC, được sử dụng thay thế cho phthalate.

Mặc dù, những hóa chất thay thế phthalate không có nguy cơ cao gây ung thư cho trẻ em, tuy nhiên cần được đánh giá thêm để tránh sự thay thế một hóa chất độc hại này bằng một chất có hại tương tự.

Các nhà khoa học cho biết, đồ chơi bằng nhựa mềm có chứa một số hóa chất độc hại cao và phơi nhiễm qua đường hô hấp là chủ yếu. Trẻ em có khả năng hít phải hóa chất khuếch tán từ tất cả đồ chơi trong phòng, chứ không chỉ chạm vào một đồ chơi tại thời điểm đó.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 18/2009/TT-BKHCN về quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Theo đó, kể từ ngày 15-4-2010, đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2009/BKHCN. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất đồ chơi trong nước và các tiểu thương nhập lậu từ Trung Quốc về đã tự in và dán tem hợp quy chuẩn, sau đó bán ra thị trường, khiến cho các sản phẩm đồ chơi hiện nay trở nên nhập nhằng, không rõ đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Đây là một vấn nạn lớn đối với toàn xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em.

Theo Tcvn.gov.vn

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hang-loat-hoa-chat-gay-hai-trong-vat-lieu-san-xuat-do-choi-nhua-danh-cho-tre-a554590.html