Uống ít nước
Nước tiểu trở nên đậm đặc khi lượng nước nạp vào cơ thể quá ít, không đủ để thận lọc và đào thải ra ngoài. Việc này sẽ tạo điều kiện cho các chất khoáng kết tinh lại, từ đó gây ra bệnh sỏi thận và sỏi đường tiết niệu.
Do vậy, bạn nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Bên cạnh nước lọc, bạn có thể đổi vị với các loại nước hoa quả như nước cam hay nước chanh. Chất citrate có trong các đồ uống này cũng có tác dụng ngăn sự hình thành của sỏi.
Không ăn sáng
Bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Các chuyên gia cho biết, sau một đêm dài nghỉ ngơi, buổi sáng là thời điểm túi mật tiết ra dịch mật để tiêu hóa thức ăn.
Nếu bạn không ăn sáng, mật không thể làm nhiệm vụ, dịch mật tích tụ trong túi mật và đường ruột dẫn đến sỏi thận. Không chỉ vậy, việc bỏ bữa sáng còn khiến bạn thiếu năng lượng, mệt mỏi, giảm năng suất làm việc.
Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi
Canxi vốn là chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu canxi sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa chất này. Canxi dư thừa tích tụ trong thận thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ sỏi niệu quản, sỏi thận. Việc ăn quá ít thực phẩm chứa canxi cũng có thể khiến bạn bị sỏi thận do mất cân bằng hấp thu canxi, đồng thời gây nên tình trạng loãng xương.
Uống thuốc tùy tiện
Thói quen uống thuốc tùy tiện, đặc biệt là thuốc kháng sinh dễ khiến bạn mắc bệnh sỏi thận. Theo thống kê của các chuyên gia Anh, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận và khiến tình trạng sức khỏe của bạn tồi tệ hơn.
Ăn nhiều chất béo, dầu mỡ
Chất béo có khả năng cản trở quá trình chuyển hóa uric, tăng nồng độ axit uric trong máu. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới bệnh sỏi thận. Ngoài ra, những thực phẩm giàu protit và chất béo làm tăng hàm lượng cholesterol trong dịch mật, hình thành nên sỏi.
Bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều cholesterol như thịt mỡ, nội tạng động vật, trứng cá, gạch cua, lòng đỏ trứng... Đồng thời, hãy bổ sung rau quả tươi và một số thực phẩm có tác dụng giảm cholesterol như tỏi, hành tây, nấm hương.
Ăn mặn
Các chuyên gia cho hay khi ăn quá mặn, lượng muối trong cơ thể sẽ tăng cao, làm tăng đào thải natri và tăng lượng canxi bài tiết qua nước tiểu. Về lâu dài, canxi tích tụ trong nước tiểu sẽ lắng đọng và tạo nên tinh thể, hình thành sỏi thận.
Vì thế, bạn nên giảm muối trong chế biến các món ăn, nên ăn đồ luộc, hấp thay vì xào nấu. Bên cạnh đó, bạn cũng nên đọc kỹ nhãn thực phẩm trước khi mua. Một số thực phẩm chứa nhiều muối cần lưu ý gồm đồ ăn chế biến sẵn, đồ hộp, đồ ăn vặt.
Ăn nhiều thực phẩm giàu oxalat
Bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm như rau bina, chocolate, khoai lang, cà phê, củ cải, đậu phộng, sản phẩm làm từ đậu nành, lúa mì... Nguyên nhân là vì những thực phẩm này chứa nhiều chất oxalat. Đây là một hợp chất tự nhiên, liên kết với canxi trong nước tiểu, tạo thành sỏi thận.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/7-thoi-quen-gay-soi-than-nhung-nhieu-nguoi-van-lam-moi-ngay-bo-som-keo-hoi-khong-kip-a554688.html