Sáng 7/6, 500 chiếc giường carton đầu tiên được vận chuyển tới và lắp đặt tại khu cách ly ở Bắc Ninh.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Vũ Ngọc Hoa, Quản lý truyền thông và Huy động xã hội của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), thành viên Quỹ “Mỗi ngày Một quả trứng” (MNMQT), cho hay đây là hoạt động nằm trong chiến dịch “1.000 chiếc giường carton chống dịch” do MNMQT và giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội phối hợp thực hiện.
1.000 chiếc giường trong 1 tuần
Theo chị Hoa, hôm 30/5, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Điều hành của SCDI, người khởi xướng Quỹ MNMQT, trao đổi với các tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, Điện Biên và được biết nhu cầu về giường trong các khu cách ly, bệnh viện dã chiến hiện nay là rất lớn.
Các y, bác sĩ, cán bộ y tế và dân quân phải nhường giường cho bệnh nhân. Tại cơ sở cách ly, nhiều người chọn cách trải chiếu, nệm xuống sàn nhà. Một số nơi phải dùng giường tầng, không chỉ bất tiện cho sinh hoạt, công tác khám chữa bệnh mà còn không đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Thực tế, có trường hợp trẻ ở khu cách ly tại Điện Biên bị ngã, chấn thương do rơi từ giường tầng xuống đất. Theo ông Phan Quốc Toản, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Điện Biên, tại một khu cách ly gần thành phố Điện Biên Phủ, có 60 trẻ vẫn phải nằm chiếu trên sàn nhà. Ở các huyện miền núi, điều kiện còn thiếu thốn, vất vả hơn nhiều.
Tại nhiều khu cách ly ở Điện Biên, trẻ em phải nằm chiếu trên sàn nhà vì thiếu giường.
Qua quá trình trao đổi với bác sĩ Oanh, PGS.TS Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội, đề xuất mô hình giường carton, được một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản áp dụng trong cuộc chiến chống dịch.
Hôm 2/6, sau quá trình nghiên cứu và thiết kế, mẫu giường đầu tiên ra đời, đảm bảo tiêu chuẩn y tế.
“Giường được tạo thành từ 12 hộp carton có vách tăng cứng, rộng 90 cm, dài 190 cm, cao 60 cm thuận tiện cho bác sĩ trong quá trình thăm khám, lấy mẫu ở khu cách ly, đồng thời an toàn cho trẻ em. Sản phẩm được cải tiến ở chỗ có tấm quây đầu giường, mang đến sự riêng tư khi cách ly trong tập thể, tránh bị chói sáng và hạn chế khả năng lây nhiễm”, chị Hoa thông tin.
Mỗi chiếc giường carton chịu được trọng lượng lên tới 180 kg, dễ vận chuyển, thời gian lắp đặt chỉ 5 phút và có độ bền khoảng 6 tháng.
Giá thành của một sản phẩm là khoảng 320.000 đồng. Trong đó, Quỹ MNMQT đóng góp chi phí nguyên liệu, trị giá 187.000 đồng/chiếc với tổng số tiền 187 triệu đồng. Chi phí còn lại gồm sản xuất, vận chuyển được Công ty Cổ phần In và Bao bì Goldsun hỗ trợ.
“Trong 3 ngày gây quỹ cho chiến dịch, MNMQT nhận được nhiều đóng góp, động viên từ các nhà hảo tâm. Có người đóng góp 1 giường, người 100 giường hay một giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội ủng hộ 108 giường vì nghĩ con số này có ý nghĩa”, chị Hoa nói.
Hôm 6/6, 1.000 giường carton được hoàn thành. Trong đó, 500 chiếc đã được vận chuyển đi Bắc Ninh và lắp đặt ở khu cách ly sáng 7/6.
“Chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ Sở Y tế Bắc Ninh cho sáng kiến này. Mọi người ở khu cách ly cũng rất thích, nói rằng họ không còn thấy việc đi cách ly tạm bợ vì đã có chỗ nằm thoải mái. Nhìn những hình ảnh đó, chúng tôi cảm thấy rất vui”.
Trong tuần này, 500 giường carton còn lại sẽ được đưa lên Điện Biên, Bắc Giang với số lượng lần lượt là 300, 200 chiếc. Trong đó, Quỹ ưu tiên tặng giường cho các khu cách ly có trẻ nhỏ.
MNMQT dự kiến sản xuất thêm để cung cấp cho các khu cách ly còn đang thiếu thốn giường.
“Để không ai bị bỏ lại phía sau”
Trước “1.000 chiếc giường carton”, Quỹ MNMQT cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ công tác chống dịch ở Việt Nam.
Đó là chiến dịch đồng hành cùng công nhân ở Bắc Ninh với 500 suất quà tặng. Mỗi suất gồm 10 kg gạo, 1 lít dầu ăn, 1 chai nước mắm, vỉ trứng, lạc vừng, muối… có thể ăn trong 2 tuần. Công nhân nữ còn được hỗ trợ thêm băng vệ sinh.
Trước đó, Quỹ cũng phối hợp với PGS.TS Phan Trung Nghĩa sản xuất 20 mũ bảo hộ lọc không khí áp lực dương với giá 10 triệu đồng/bộ gửi tặng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
“Cùng 500 công nhân vượt qua Covid” và “20 mũ bảo hộ chống dịch” là 2 chiến dịch mới nhất được Quỹ MNMQT tổ chức.
Từ khi dịch bùng phát vào tháng 3/2020, MNMQT có nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân không triệu chứng của Covid-19, tức những người không mắc bệnh nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch.
Sau đợt giãn cách xã hội vào tháng 4 năm ngoái, Quỹ giúp nhóm người nghèo, vô gia cư, lao động tự do phục hồi sinh kế, làm giấy tờ tùy thân, mua bảo hiểm y tế, trẻ em được đi học. Những hoạt động này được duy trì cho đến bây giờ.
“Với mục tiêu ‘Để không ai bị bỏ lại phía sau’, chúng tôi luôn cố gắng nhìn thấy những khoảng trống trong công tác hỗ trợ xã hội để không ai bị bỏ lại trong cuộc chiến chống dịch”.
zingnews.vn
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gui-giuong-carton-tang-cho-cac-em-nho-dang-cach-ly-o-dien-bien-a554743.html