U60 'nổ' có quen biết người ở bộ Quốc phòng lừa chạy chế độ thương binh

Bùi Xuân Dư tự nhận mình có mối quan hệ quen biết với người ở bộ Quốc phòng, có thể làm chế độ chính sách cho người khác để nhận tiền, hồ sơ của 181 người bị hại, chiếm đoạt gần 4,5 tỷ đồng.

Ngày 11/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương, đề nghị truy tố Bùi Xuân Dư (68 tuổi, trú tại xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, Hải Dương) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

lua-dao-1601345772491443192740-1623464094.jpg
Bị can Bùi Xuân Dư tại cơ quan điều tra - Ảnh: Công an Hải Dương cung cấp

Theo tài liệu điều tra, Bùi Xuân Dư không có nghề nghiệp ổn định. Khi đi khám chữa bệnh tại bệnh viện, thấy nhiều người từng tham gia quân ngũ có nhu cầu làm chế độ, chính sách, Dư đã nảy ra ý định phạm tội.

Người này tự nhận có quen biết với người ở Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng nên có thể làm mọi chế độ từ chất độc màu da cam, chế độ mất sức, chế độ thương bệnh binh, nâng hạng thương binh đến chế độ thân nhân đối với liệt sỹ…

Mục đích của Dư là cứ nhận hồ sơ và tiền của những người có nhu cầu, sau đó sẽ tìm người có khả năng thực hiện để móc nối làm hồ sơ, lấy tiền hoa hồng.

Không trực tiếp ra mặt, Bùi Xuân Dư đã thực hiện hành vi lừa đảo thông qua ông Lê Thái Loạn (SN 1951, trú tại Ninh Giang).

Bản thân ông Loạn là một cựu chiến binh, trước đây được hưởng chế độ bệnh binh nhưng từ năm 1977 đến nay đã bị cắt chế độ.

Sau khi quen biết, ông Loạn cũng được Dư hứa hẹn làm lại chế độ đã bị cắt, đồng thời nhờ ông này tìm thêm các trường hợp có nhu cầu. Dư hướng dẫn ông Loạn tỉ mỉ từ cách thức giới thiệu, làm hồ sơ và thu tiền.

Theo đó, người nào muốn “chạy’ chế độ thì nộp khoản tiền dao động từ 10- 30 triệu đồng, tùy loại chế độ trợ cấp hàng tháng dưới hình thức “cho vay”, để đề phòng trường hợp thời hạn đã hết mà giấy tờ chưa làm xong, có thể khất, gia hạn, tránh bị kiện cáo.

Cụ thể, mức phí đối tượng nhận làm chế độ nâng hạng thương binh, trợ cấp thân nhân liệt sỹ, chế độ thương bệnh binh là 30 triệu đồng; hưởng chế độ chất độc da cam, trợ cấp mất sức là 25 triệu đồng… Thời gian làm thủ tục từ 6-18 tháng, nếu không làm được ông Dư sẽ hoàn trả tiền và hồ sơ.

Khi nào có quyết định hưởng chế độ, đối tượng sẽ thu thêm của mỗi người 5 triệu đồng để chia cho những người “có công”.

Vài ngày sau khi nộp tiền và hồ sơ, các trường hợp cũng được đưa đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện mà không có hội đồng giám định, rồi chỉ việc về nhà ngồi đợi quyết định.

Tiền và hồ sơ của các cựu chiến binh được ông Loạn chuyển cho Dư ngay trong ngày. Địa điểm giao nhận có thể ở bệnh viện hoặc ngay trên đường cho “nhanh và tiện”.

 Với cách thức và thủ đoạn trên, Dư đã nhận của ông Loạn hơn 4,3 tỷ đồng của 168 người có nhu cầu làm chính sách.

Tại cơ quan Công an, Dư khai, sau khi nhận được hồ sơ từ ông Loạn, Dư mang hồ sơ về nhà mẹ đẻ cất. Đến năm 2018, sau khi đã nhận tiền và hồ sơ của nhiều người nhưng chưa tìm được người có thể làm chế độ, chính sách, nhiều người tìm Dư đòi tiền nên Dư đi theo đoàn xiếc của anh Vũ Văn Thực ở cùng xóm lưu diễn nhiều nơi chứ không ở nhà.

Trước khi đi, do sợ mọi người phát hiện nhiều hồ sơ của những người làm chế độ chính sách trong nhà sẽ biết việc Dư không có khả năng làm chế độ chính sách nên Dư đã đốt hết những hồ sơ này.

Số tiền đã nhận, Dư đã sử dụng để chi tiêu cá nhân và chăn nuôi lợn gà tại nhà chị Thương (là người sống như vợ chồng với Dư), ở xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Do dịch bệnh và giá cả thị trường giảm nên Dư đã thua lỗ hết số tiền này. Đến nay Dư không còn khả năng chi trả, khắc phục tiền đã nhận của những người làm chế độ chính sách.

Hải Đăng (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/u60-no-co-quen-biet-nguoi-o-bo-quoc-phong-lua-chay-che-do-thuong-binh-a554914.html