Cuộc sống yên bình vốn dĩ là một điều đáng quý. Và trong sự yên bình đó, kinh tế - xã hội được ổn định để phát triển. Xí nghiệp sản xuất hoạt động đêm ngày; doanh nhân hăng say với các giải pháp làm giàu, trẻ em tới trường, công nhân vào nhà máy… Trên cánh đồng, người nông dân qua vất vả rồi lại tươi cười hạnh phúc với niềm vui mùa thu hoạch. Còn người trẻ thì dường như luôn bận rộn chuẩn bị hành trình cho những thành công mới…
Chúng ta đã từng có nhịp sống yên bình như thế, và rồi, bão COVID-19 quét qua, lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư và có thể sẽ còn những lần tiếp nữa. Chúng ta ngả nghiêng, chao đảo, khó khăn về mọi mặt.
Hệ quả dịch bệnh để lại về mặt kinh tế, chắc chắn sẽ cần thời gian dài để khắc phục. Thế nhưng, ở một khía cạnh khác, tôi lại thấy đại dịch này giống như một chất xúc tác mạnh, để tình yêu của nhân dân đối với quê hương, với Tổ quốc mình, vốn dĩ chất chứa từ nơi sâu thẳm nhất của trái tim, có cơ hội được bật tung, được vỡ òa, được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, được biểu lộ bằng sự sẻ chia chân thành, bằng sự tương thân tương ái vô cùng nhân văn.
Điển hình, mới đây, khi Chính phủ phát động ủng hộ cho Quỹ vắc xin COVID-19 vốn được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, đã có hàng triệu cánh tay hưởng ứng.
Minh chứng là, chỉ sau 5 ngày phát động, số dư của Quỹ đã đạt trên 4.000 tỷ đồng. Điều này thể hiện sự ủng hộ cao độ cũng như sự chung tay mạnh mẽ của toàn dân. Tất cả mọi sự ủng hộ đóng góp dù ít, dù nhiều của mỗi cá nhân, của tổ chức đối với Quỹ ở giai đoạn này đều là sự sẻ chia kịp thời.
Tôi đã không thể ngưng xúc động khi được biết tới câu chuyện của một bé gái đập lợn đất tiết kiệm suốt 4 năm tặng cho Quỹ. Đó là một học sinh lớp 5 của trường Marie Curie tại Hà Nội. Em là một minh chứng cho tinh thần cả nước đồng lòng chống dịch, không phân biệt tuổi tác.
Tôi cũng đã thắt nghẹn và cảm phục vợ chồng người thương binh ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương gom 4,5 tỷ đồng dưỡng già tặng Quỹ vắc-xin. Người cựu binh ấy trở về từ cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, một phần bàn tay đã để lại nơi chiến trường. Và giờ, họ vẫn sẵn lòng cho đi tất cả những gì mình có vì “muốn sống một cuộc đời ý nghĩa” và trách nhiệm với xã hội, với quê hương, Tổ quốc của mình.
Tôi cũng đã thấy hàng triệu triệu tấm lòng trên khắp mọi miền, họ đã và đang ngày ngày nỗ lực chung tay ủng hộ Quỹ, với mong muốn cùng đẩy lùi dịch bệnh. Họ - không phân biệt tuổi tác, giới tính; không so bì nghề nghiệp; không phân định giàu - nghèo, mà ở thời điểm này, mỗi một cá nhân đều là một thực thể, thể hiện trách nhiệm cao độ vì công cuộc chung.
Nơi tuyến đầu, đội ngũ y bác sĩ vẫn đêm ngày nỗ lực chạy đua với thời gian để giành lấy sự sống cho bệnh nhân. Một lực lượng chuyên trách hùng hậu vẫn tiếp tục khoanh vùng, tổ chức giãn cách, phong tỏa, khử trùng, cách ly để dập dịch. Còn ở “hậu phương”, chúng ta ít nhiều cũng đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm và hơn hết là sự sẻ chia theo nhiều cách khác nhau.
Cuộc chiến chống dịch bệnh đầy khó khăn, cam go vẫn tiếp diễn và chưa có hạn định cho ngày kết thúc. Nhưng tôi cảm nhận được sức mạnh tương thân, tương ái, đoàn kết khi triệu bàn tay nắm lấy nhau, đồng lòng; thấy tình yêu thương của đồng bào đối với đồng bào, thấy sự tin yêu của dân đối với chính phủ, thấy tình cảm vô vàn giữa người với người trên mọi miền Tổ quốc – họ đã dành cho nhau.
Và muôn vàn chữ tình chắp nối, hàng triệu nghĩa cử nhân văn đã khiến trái tim tôi thổn thức, khiến đất dưới chân mình bung nở những đồng hoa.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Vũ Đậu
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/toi-thay-tinh-yeu-no-hoa-tu-mat-dat-a554936.html