Mì hai tôm Miliket là thương hiệu "vang bóng một thời" khi trở thành ký ức đẹp của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Sau khi được "ra mắt", Miliket được xem là thương hiệu "độc quyền" trên thị trường trong hàng chục năm của thập niên 70, 80.
Miliket nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, thậm chí được bán tại các cửa hàng tạp hóa quốc doanh.
Miliket nổi tiếng đến mức hình ảnh hai con tôm in ngoài bao bì đã trở thành biểu tượng và têm gọi cho dòng mì của hãng này.
Những năm 80 của thế kỷ trước, mặc dù chỉ có 2 sản phẩm chính là mì gói giấy với hình ảnh 2 con tôm trên bao bì và mì ký (bán theo kg) với hình ảnh 4 con tôm trên mỗi túi 1 kg, nhưng Miliket gần như thống lĩnh toàn bộ thị trường mì ăn liền tại Việt Nam.
Được biết, Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Colusa- Miliket (UPCoM: CMN) là một trong 13 nhà máy đầu tiên được xây dựng để phát triển ngành công nghiệp nhẹ tại Việt Nam, tiền thân là hai xí nghiệp: Chế biến lương thực thực phẩm Colusa (1972) và Lương thực thực phẩm Miliket (1995).
Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa thành lập năm 1972 với tên gọi Công ty sản xuất chế biến mì ăn liền Safoco Sài Gòn thực phẩm.
Lương thực Thực phẩm Miliket thành lập năm 1995, sáp nhập từ 2 cửa hàng Lương thực Thủ Đức và Lương thực quận 5.
Tháng 8/2006, doanh nghiệp chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 48 tỷ đồng. Từ thời điểm đó đến nay, công ty chưa tiến hành tăng vốn.
Tính đến ngày 15/11/2016, Miliket có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 80,51% vốn điều lệ công ty, trong đó Tổng công ty Lương thực Miền Nam (VNF2 – Vinafood 2) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 30,72% vốn. Một cổ đông lớn khác của Miliket là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba sở hữu 20,41% vốn.
Sau năm 2000, với sự tham gia của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước đã khiến vị thế “độc quyền” của Miliket trên thị trường dần mất đi.
Doanh nghiệp cũng đã phát triển thêm nhiều sản phẩm khác để bắt kịp những thay đổi của thị trường như phở, cháo, hủ tiếu, miến ăn liền và lấn sân sang các mặt hàng gia vị. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cái tên Miliket "lép vế" rõ rệt trong cuộc đua với các ông lớn cùng ngành và càng bộc lộ việc không thực sự chú trọng đầu tư cho năng lực sản xuất.
Cuối năm 2020, Colusa - Miliket đã có năm suy giảm lợi nhuận thứ 2 liên tiếp, kể từ năm 2018.
Không có chiến dịch quảng cáo, truyền thông rầm rộ nào, cũng không có dòng sản phẩm mới mang tính đột biến, Colusa - Miliket càng bộc lộ việc không thực sự chú trọng đầu tư cho năng lực sản xuất.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên phụ liệu tăng cao, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành gay gắt.
Kết quả, tổng sản lượng bán ra đã giảm 2% so với năm 2019, chỉ đạt 18.574 tấn. Tổng doanh thu cũng giảm 2% chỉ còn 624 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 11%, chỉ còn 22,1 tỷ đồng.
Dự kiến kế hoạch sản lượng tiêu thụ năm 2021 khoảng 19.000 tấn, mang về tổng doanh thu 710 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 22,1 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 dự kiến được tổ chức vào ngày 30/06, HĐQT Colusa- Miliket sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 với ông Phạm Tuấn Anh.
Cá nhân được đề cử bổ sung là bà Hồ Thị Cẩm Vân, Phó giám đốc phụ trách ban Kế hoạch chiến lược Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vang-bong-1-thoi-thuong-hieu-miliket-dinh-dam-nay-chat-vat-de-sinh-ton-a555331.html