2 dự án BT liên quan đến Lã Vọng
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã tạm dừng việc triển khai đối với 82 dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Trong đó, có 2 dự án liên quan đến Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới (tức tập đoàn Lã Vọng).
Đầu tiên là dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La – Xuân Mai. Lịch sử dự án này bắt đầu từ năm 2012 khi UBND Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 3859 ngày 23/5.
Tuy nhiên, do khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện, ngày 2/12/2013, UBND thành phố đã có Thông báo số 166 về việc dừng triển khai dự án Ba La – Xuân Mai theo hình thức hợp đồng BT.
Do đây là tuyến đường huyết mạch, của ngõ phía tây vào Thủ đô, lại đang xuống cấp trầm trọng nên Hà Nội đã từng đề xuất phương án sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để thực hiện dự án.
Tháng 9/2016, thành phố lại tiếp tục đề xuất với Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cho thực hiện đoạn tuyến từ Xuân Mai - Chúc Sơn (15,78km) theo hình thức BOT, giao cho nhà đầu tư BOT QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, cả Bộ GTVT lẫn nhà đầu tư đều từ chối.
Sau nhiều lần bế tắc, cuối cùng, ngày 24/6/2017, UBND Hà Nội đã có Báo cáo số 177 kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án Ba La – Xuân Mai. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng.
Nhà đầu tư được chọn là liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng công ty phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và 2 đối tác tư nhân Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới – Công ty Đại An. Liên danh này đã thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Louis Group để thực hiện dự án.
Được biết, dự án BT Ba La – Xuân Mai có tổng mức đầu tư ban đầu lên tới 8.800 tỷ đồng với mục tiêu là cải tạo, nâng cấp 20,9 km quốc lộ 6 đoạn từ Ba La – Xuân Mai (từ 4 – 6 làn xe). Như vậy, tính ra, số tiền chỉ để cải tạo nâng cấp cho mỗi km đường là 421 tỷ đồng!
Nếu thực hiện được dự án này, Louis Group sẽ được nhận 41 ô đất với tổng diện tích khoảng 441,26 ha trên địa bàn các quận/huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì, Mê Linh.
Tuy vậy hồi tháng 6/2018, tại báo cáo nghiên cứu khả thi đã được UBND Hà Nội phê duyệt, quy mô đầu tư dự án được giảm xuống còn khoảng 8.713 tỷ đồng.
Hệ quả là Louis Group sẽ được tạo điều kiện khai thác 39 ô đất với tổng diện tích khoảng 343,54 ha. Còn việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án BT Ba La – Xuân Mai bất ngờ được đổi sang hình thức đấu thầu.
Trong một diễn biến liên quan khác, mới đây, Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 – 2025 quốc gia dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 6 đoạn Ba La –Xuân Mai. Như vậy, có thể nói hàng trăm ha đất đã gần như tuột khỏi tay Lã Vọng.
Ngoài dự án BT Ba La – Xuân Mai, Công ty Ngôi nhà mới còn có tên trong liên danh đầu tư dự án vành đai 2,5 đoạn từ Trung Kính đến cuối đường Trần Duy Hưng (dài 580m) theo hình thức BT.
Liên danh này gồm Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới – Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Mekong E&C, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đô thị Đại Việt.
Dự án đường vành đai 2,5 nằm trong danh mục các nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Lã Vọng làm ăn thế nào trong những năm qua?
Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới (doanh nghiệp hạt nhân của tập đoàn Lã Vọng) được thành lập tháng 11/2003, đóng trụ sở tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, do ông Lê Văn Vọng (người huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lập ra. Tính đến năm 2019, vốn điều lệ của công ty đã lên tới 1.500 tỷ đồng.
Công ty Ngôi nhà mới đã đi lên từ lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống rồi lấn sân sang thị trường bất động sản. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của một loạt dự án đáng chú ý trên thị trường Hà Nội như: khu đô thị Louis City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm), New House Xa La (Phúc La, Hà Đông), khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới (Quốc Oai)…
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của Ngôi nhà mới tăng trưởng rất mạnh mẽ với tốc độ tính bằng lần. Cụ thể, nếu như năm 2016, doanh thu mới đạt 17,5 tỷ đồng thì năm 2017 đã tăng gấp 10 lần lên 183 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu tiếp tục tăng mạnh lên 272 tỷ đồng rồi “bốc đầu” lên tận 1.049 tỷ đồng vào năm 2019.
Lợi nhuận sau thuế cũng vì vậy mà tăng mạnh, từ -29,7 tỷ đồng (2016) lên 161 triệu đồng (2017) rồi 16,5 tỷ đồng (2018) và 197,7 tỷ đồng (2019).
Về tài sản, trong cùng giai đoạn nêu trên, tổng tài sản của công ty đã tăng một mạch từ 1.352 tỷ đồng lên 5.229 tỷ đồng, tức tăng gấp gần 4 lần. Tài trợ chính cho sự tăng trưởng đó là nợ phải trả khi tăng dữ dội từ 647 tỷ đồng lên 3.553 tỷ đồng, tức tăng gấp 5,5 lần.
Vốn chủ sở hữu của công ty dù có thời điểm thăng giáng song nhìn chung là vẫn tăng đáng kể, từ 705 tỷ đồng lên 1.675 tỷ đồng, tức tăng hơn 2 lần. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc năm 2019 là hơn 2 lần.
Ngoài Ngôi nhà mới, hệ sinh thái của tập đoàn Lã Vọng cũng ghi nhận một pháp nhân hoạt động tích cực khác là công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng. Doanh nghiệp này lập ra vào tháng 4/2008, đóng trụ sở tại Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội, được biết tới là chủ đầu tư dự án bất động sản tại các ô đất DX1, DX2, DX3, DX4 và CX2 khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của công ty Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng trồi sụt thất thường. Cụ thể, năm 2016, doanh thu đạt 27,7 tỷ đồng, năm 2018 giảm mạnh chỉ còn 15,8 tỷ đồng, năm 2018 tăng nhẹ lên 17,2 tỷ đồng và năm 2019 tăng lên 35,8 tỷ đồng.
Kết quả lãi sau thuế khá đáng thất vọng trong các năm 2016 – 2018 với các số âm: -7,3 tỷ đồng (2016), -1,8 tỷ đồng (2018) hoặc lãi rất mỏng (22 triệu đồng – năm 2017). Chỉ năm 2019 mức lãi có khả quan hơn, đạt 7 tỷ đồng.
Về tài sản, giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của công ty chỉ tăng nhẹ, từ 176 tỷ đồng lên 186 tỷ đồng. Phần lớn tài sản được tài trợ bằng nợ phải trả, tăng từ 162 tỷ đồng lên 165 tỷ đồng trong cùng giai đoạn.
Với vốn chủ sở hữu khá nhỏ (tăng từ 14 tỷ đồng lên 20,6 tỷ đồng), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty rất lớn, lên tới 8 lần (năm 2019).
Một pháp nhân đáng chú ý khác trong hệ sinh thái của Lã Vọng là công ty Cổ phần Lã Vọng Group. Doanh nghiệp này thành lập tháng 8/2016, trụ sở tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. CEO là Đỗ Minh Đàm với vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên trong giai đoạn 2016 – 2019, công ty này không ghi nhận doanh thu và lỗ sau thuế các năm 2016 – 2017 (lần lượt 8,8 triệu đồng và 3,8 triệu đồng). 2 năm tiếp đó, công ty báo lãi nhẹ lần lượt 174 triệu đồng và 7,6 triệu đồng.
Điều đáng nói hơn cả là từ năm 2018, ông Lê Văn Vọng (nhà sáng lập tập đoàn Lã Vọng) đã thoái hết vốn với tư cách cá nhân ra khỏi các công ty nêu trên. Ở công ty Ngôi nhà mới, cùng với ông Vọng, ông Lê Văn Vân và bà Ngô Thị Toàn cũng thoái vốn.
Tương tự, ở công ty Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng, ông Lê Văn Vân và ông Lê Văn Hải cũng thoái vốn. Còn tại công ty Cổ phần Lã Vọng Group, ông Hải cùng bà Đặng Thị Như Trang đều rút vốn.
Sau khi rút vốn, ông Lê Văn Vọng đã thành lập một pháp nhân mới có tên công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam. Doanh nghiệp này khai sinh vào tháng 3/2018, trụ sở tại khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, với vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng. Ông Vọng làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật với tỷ lệ sở hữu 100% (tính đến hết năm 2019). Hai cổ đông cá nhân là Hà Chí Luyện và Vũ Văn Thái đã thoái vốn.
Về tình hình kinh doanh, năm 2019, công ty này không ghi nhận doanh thu, song vẫn báo lãi sau thuế 79 triệu đồng. Tổng tài sản tại thời điểm hết năm 2019 là 1.500 tỷ đồng, toàn bộ là vốn chủ sở hữu.
Về công ty Cổ phần Đầu tư Louis Group – doanh nghiệp do công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng công ty phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và 2 đối tác tư nhân Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới – Công ty Đại An lập ra để thực hiện dự án BT Ba La – Xuân Mai, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy ông Lê Văn Vọng làm tổng giám đốc doanh nghiệp này.
Tính đến hết năm 2019, vốn điều lệ của công ty là 960 tỷ đồng. Công ty không ghi nhận doanh thu giai đoạn 2017 – 2019, báo lỗ sau thuế 86 triệu đồng năm 2017, lãi sau thuế 53 triệu đồng năm 2018 và 12 triệu đồng năm 2019.
Theo vietnamfinance.vn
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/soi-buoc-duong-kinh-doanh-cua-tap-doan-la-vong-truoc-bien-co-dung-2-du-an-bt-a555423.html