Báo nước ngoài nói về tiềm năng thương mại điện tử ở Việt Nam

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định với nền kinh tế đang phát triển và dân số hơn 97 triệu người, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử và thậm chí còn tăng trưởng mạnh kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

260621-dientu-jppg-1624707736.jpg
Thương mại điện tử ngày càng phát triển tại Việt Nam. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo vào tháng 1-2021 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương, có tới 53% dân số Việt Nam đã tham gia vào mua bán lẻ thương mại điện tử.

Ngoài ra, báo cáo “E-conomy SEA 2020” của Google cho thấy, thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng 46% so với năm trước đó. “E-conomy SEA 2020” kèm theo dự báo đến năm 2025, thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ đạt giá trị 52 tỷ USD, đứng thứ ba tại Đông Nam Á.

Tầng lớp trung lưu tăng mạnh là nhân tố chính góp phần cho tăng trưởng này. Theo ghi nhận trong năm 2020, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đạt mốc 33 triệu người, tăng so với con số 12 triệu người năm 2012. Khi tầng lớp trung lưu tăng, nhu cầu với các sản phẩm cao cấp cũng đi lên.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn tại Công ty Savills Việt Nam cho biết, các thương hiệu cao cấp đang để ý đến thị trường Việt Nam trong những năm gần đây với Gucci, Louis Vuitton và Saint Laurent đều đã mở cửa hàng chính thức.

Và kênh bán hàng thứ hai phổ biến của các thương hiệu này tại Việt Nam chính là mạng xã hội. Điều này bắt nguồn từ việc người Việt Nam trung bình dành 7 tiếng/ngày truy cập internet, chủ yếu là Facebook, YouTube, Zalo và Instagram.

Facebook hiện là nền tảng thương mại điện tử được yêu thích. Theo worldpopulationreview.com, Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới về số người sử dụng Facebook với 66,7 triệu người sử dụng trong năm 2020. Lĩnh vực thời trang và làm đẹp được tìm kiếm và mua bán phổ biến nhất.

Ngọc Mai, một doanh nhân 40 tuổi, chia sẻ rằng, việc mua sắm trực tuyến và qua mạng xã hội thuận tiện, đồng thời, tiết kiệm được thời gian hơn so với việc phải đến cửa hàng. Cô nói: “Công việc của tôi rất bận. Việc đến cửa hàng để mua sắm thật khó khăn bởi tắc đường, tìm kiếm chỗ đỗ xe và xếp hàng thanh toán. Trong khi đó, chỉ với chiếc điện thoại là tôi có thể mua sắm dễ dàng”.

Theo nghiên cứu của Bain & Company thực hiện năm 2020 về người mua sắm sử dụng Facebook, khoảng 68% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á không hề xác định thứ họ muốn mua, do vậy, họ thường xem gợi ý từ các cửa hàng trên mạng. Có 62% người tiêu dùng nhận thông tin về sản phẩm và nhãn hiệu mới qua mạng xã hội.

Trong thời kỳ dịch Covid-19, thương mại điện tử đã bùng nổ. Nghiên cứu do iPrice Group và App Annie thực hiện cho thấy, tổng số truy cập đến các trang bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam trong quý II-2020 là 12,7 tỷ lượt, tăng 43% so với quý đầu cùng năm.

Theo Hànộimới

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bao-nuoc-ngoai-noi-ve-tiem-nang-thuong-mai-dien-tu-o-viet-nam-a555606.html