Bí quyết nuôi dạy con Thủ khoa của một bà mẹ thuần nông

"Nói về kiến thức để kèm con học thì tôi không có, nhưng kiến thức chăm con, nuôi dạy con hay hiểu con thì tôi luôn cập nhật. Tôi luôn xác định mình sẽ trở thành một người bạn đồng hành của con", người mẹ nói.

Dẫn con đi hỏi bài quanh làng

Đó là hình ảnh mà đến nay, dù đã trở thành sinh viên năm 2 ngành Khoa học máy tính tại trường đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng chàng trai Vũ Đức Anh (Thủ khoa khối A năm 2019) chắc hẳn vẫn không thể nào quên.

Khi Đức Anh vừa hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, cậu đã biết mình sẽ “nắm trong tay” một điểm số không tệ, nhưng danh hiệu Thủ khoa toàn quốc vẫn không khỏi khiến cả gia đình bất ngờ. Khi bộ GD&ĐT công bố kết quả, Đức Anh đang có chuyến hành trình vào TP.Hồ Chí Minh, vừa thăm thú vừa theo chân chú đi phụ việc làm thêm, cậu thậm chí còn chưa kịp thông báo với gia đình thì thầy giáo đã báo tin cho mẹ cậu - chị Lê Thị Hương (SN 1978).

Đón nhận tin vui, người mẹ đang đi chợ giao trứng cũng tất tả chạy ngay về nhà để báo cho cả gia đình cùng biết. Ngôi nhà nhỏ tại xóm 10, thôn Thịnh Vạn, Quảng Thịnh (Thanh Hóa) vì tin tức này mà bỗng chốc rộn ràng hẳn lên, họ hàng, làng xóm đến chia vui không ngớt.

Nhắc đến những kỷ niệm bên con trai trên hành trình học tập, chị Hương không ngần ngại giãi bày: “Đức Anh rất may mắn rèn được tính tự lập từ sớm, nên vấn đề học hành, con hầu như không cần bố mẹ phải nhắc nhở, mà tự chủ động sắp xếp. Gia đình chúng tôi xuất thân thuần nông, từ ông bà đến bố mẹ cũng không biết nhiều kiến thức mà dạy cho con. Chỉ có những ngày đầu chập chững hồi lớp 1, lớp 2, tôi có thể ngồi học cùng con, còn những năm sau đó là tôi chịu…

Đến khi con học lên khoảng lớp 5, lớp 6, mỗi lần gặp bài khó, không giải được, nhìn con “vò đầu bứt tai”, tôi lại dắt con đi… hỏi bài quanh làng. Lúc đó, tôi chỉ biết rằng, nhà mình nghèo không có tiền cho con đi học thêm bên ngoài, cũng ngại nhờ vả thầy cô nhiều, nên tôi thường đưa con đến “gõ cửa” nhà các anh chị lớn hơn ở trong làng, những anh chị học lớp trên mà lại học giỏi nữa, nên luôn sẵn sàng chỉ bài, giảng giải. Đức Anh cũng tận dụng rất tốt những buổi như vậy để học hỏi, tham khảo từ các anh chị”.

anh-1-thu-khoa-1625484095.jpg
Đức Anh bên mẹ và em trai. (Ảnh: NVCC).

Đến tận khi vào lớp 10, gia đình vẫn chưa có tiền cho Đức Anh đi học thêm, người mẹ không khỏi có lúc lo con thiệt thòi: “Bố mẹ nghèo, lao động chân tay quần quật cả tháng trời mới đủ trang trải, chắt bóp mãi mới mua được cho con chiếc máy tính để con học tập, nhưng còn chuyện đóng tiền học thêm thì hoàn toàn không thể cố được. So với gia đình nhà các bạn, có bố mẹ toàn giáo viên này, công chức nọ, mà kinh tế gia đình mình thì không có, tôi cũng sợ con tủi thân… May mắn, vì Đức Anh học cũng khá nên được các thầy cô quan tâm, tạo điều kiện, kèm thêm một số kiến thức để con tự tin hơn trước ngày thi”.

Có lẽ, biết hoàn cảnh của gia đình mình khó khăn, nên Đức Anh càng lớn càng tỏ ra hiểu chuyện. Sẵn có nghề buôn bán trứng của gia đình, nên để phụ giúp mẹ, nhiều buổi, sau giờ học, nam sinh lại lạch cạch chiếc xe đạp đi giao trứng cho các quán ăn. Vì thế, nhiều người đã đặt biệt danh cho cậu là “Thủ khoa giao trứng”.

Sự hiểu chuyện của Đức Anh cũng khiến chị Hương thêm tự hào khi nhắc đến con trai: “Ngay cả những giai đoạn con gặp khung hoảng về tâm lý của tuổi dậy thì, con cũng chỉ bị ảnh hưởng đôi chút đến sức học trên lớp, còn ở nhà, con vẫn là một cậu bé ngoan, lễ phép và chưa từng biết cãi bố mẹ, ông bà một câu nào…

Khi Đức Anh đang học lớp 8 thì có thêm em trai, lúc đó, con cũng dùng hết thời gian rảnh rỗi để phụ mẹ chăm em. Đức Anh sống tình cảm lắm, đến hiện tại, dù đang học đại học và đi làm thêm để đỡ bố mẹ tiền ăn học ngoài Hà Nội, nhưng tối nào con cũng gọi điện về hỏi thăm gia đình, hỏi han hết ông bà đến bố mẹ rồi còn chỉ bài cho em trai”.

Con ôn thi, mẹ sụt cân

Nhắc về những ngày Đức Anh còn miệt mài ôn tập trước kỳ thi THPT Quốc gia, chị Hương cũng như nhớ lại những nỗi lo của bản thân khi đó: “Mặc dù sức học của Đức Anh ở trên lớp khá tốt, được các thầy đặt nhiều kỳ vọng, nhưng tôi lại không muốn gây áp lực cho con. Tôi thường bảo: Con hãy thoải mái nhất, học mệt thì dừng lại nghỉ ngơi, đừng để bản thân phải cố quá sức. Nếu con không đỗ được vào ngành mà con mơ ước, thì cũng vẫn còn rất nhiều lựa chọn khác…

Miệng thì nói vậy, nhưng bản thân tôi thì lại không ngừng lo lắng. Một phần vì lo con không được học ngành mình yêu thích thì liệu con có thất vọng, phần nữa là lo cho sức khỏe của con. Thế nên con ôn thi còn không bị sụt cân nào mà mẹ thì sút mất vài ba cân”.

thu-khoa-khoi-a-nhung-suyt-bi-diem-liet-mon-tieng-anh-17c65cfc-1ce6e7f9-1625502617.png
Đức Anh trở thành Thủ khoa, chính là “trái ngọt” dành tặng mẹ. (Ảnh: NVCC).

Chị kể, có những hôm, Đức Anh học đến tận 3h sáng vẫn chưa xong bài. Gặp bài khó, cậu học trò chạy ra sân sau, một mình đá bóng vào tường, bóng cứ bật ra, lại đá tiếp. Liên tục như vậy đến khi bớt căng thẳng, cậu mới lại trở vào làm bài tiếp.

Và phía sau những đêm học bài muộn như vậy, luôn có ánh mắt của mẹ dõi theo: “Tôi thấy con như vậy, nhiều hôm cũng giục con đi nghỉ sớm, để đảm bảo sức khỏe, nhưng con kiên quyết giải xong bài mới đi ngủ. Tôi trở về phòng, nhưng cũng thao thức không tài nào ngủ được, chốc chốc lại đi qua phòng xem con học xong chưa. Dù ở phòng riêng nhưng tôi vẫn không quen để mắt đến con, thường thì con thức đến lúc nào là mẹ thức đến lúc đó. Nhưng cũng có hôm đi làm về mệt quá, tôi ngủ thiếp đi một lát rồi lại trở dậy trông con.

Mỗi buổi tối, tôi thường vào hỏi thăm bài vở rồi pha sẵn những ly sữa, bổ sẵn hoa quả hoặc chuẩn bị bánh cho con bổ sung năng lượng, sợ con học đêm sẽ bị đói. Có đêm, có lẽ con mệt qua, gục đầu lên sách ngủ gật, tôi vào phòng thấy vậy, vội thu dọn sách vở rồi vỗ nhẹ, bảo con lên giường ngủ”.

Chị Hương cho biết, tất cả những cuốn sách, tập vở hay những bài kiểm tra của Đức Anh từ hồi tiểu học đến THPT đều được chị cất, đóng thành từng thùng các-tông để lưu giữ trọn vẹn. Đó được xem là kho bảo bối của người mẹ.

Mặc dù Đức Anh sống tình cảm, muốn chia sẻ nhiều với mẹ, nhưng lại rất ít khi bộc lộ ra những cảm xúc tiêu cực hay những áp lực của bản thân. Cậu cho rằng, bố mẹ làm việc cả ngày dài cũng đã quá mệt mỏi, nên em thường chỉ muốn bố mẹ được nghe những chuyện vui vẻ.

thu-khoa-kaoo-1625503182.jpg
Mặc dù đã được nhận học bổng của trường đại học Bách khoa Hà Nội, Đức Anh vẫn dành thời gian đi làm thêm để đỡ đần gia đình. (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, với sự nhạy cảm của một người mẹ, chị Hương dường như không bỏ sót bất cứ điều gì trong hành trình khôn lớn của cậu con trai. “Thú thực, nói về kiến thức để kèm con học thì tôi không có, nhưng kiến thức chăm con, nuôi dạy con hay hiểu con thì tôi luôn cập nhật. Tôi luôn xác định mình sẽ trở thành một người bạn đồng hành của con”, chị tâm sự.

Vì vậy, ngay khi Đức Anh chỉ cần “chệch hướng” trong học tập một chút là chị Hương đã sẵn sàng ngồi lại để cùng con chia sẻ.

Có lẽ đó cũng chính là bí quyết để cậu con trai có thêm động lực trước kỳ thi THPT Quốc gia và đạt thành tích cao.
 

Tuệ Linh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bi-quyet-nuoi-day-con-thu-khoa-cua-mot-ba-me-thuan-nong-a555894.html