Không thiếu hàng hóa trong mọi tình huống
Chiều 7/7, sở Công thương TP.HCM họp báo vì tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã phối hợp với sở Công Thương điều chỉnh cách thức hoạt động của 3 chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức.
Ba chợ đầu mối cung ứng 60-70% lượng thực phẩm cho toàn thị trường, còn 30-40% là các siêu thị, còn lại 10% là từ các cửa hàng khác.
Hiện, lượng hàng về các chợ đầu mối khoảng 8.000 – 11.000 tấn, thời gian qua lượng hàng về các chợ đầu mối có giảm còn 4.000 – 5.000 tấn. Cung ứng của siêu thị là 1.600 tấn, lượng hàng cung ứng tại siêu thị tăng lên do người dân đã quay qua mua sắm tại các kênh phân phối hiện đại.
Đã có 127/237 chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động. Số lượng chợ truyền thống tạm ngưng thời gian qua có tăng do một số chợ nằm trong khu phong toả.
Tình hình này khiến một bộ phận người dân lo lắng, dẫn đến việc đổ xô đi mua làm thiếu hàng cục bộ nhất định tại một số thời điểm, nhất là vào buổi chiều. Giá cả ở một số chợ truyền thống cũng có tình trạng tăng giá 10 – 15%.
Vì vậy, sở Công Thương TP.HCM đã làm việc với các chuỗi cung ứng để kịp thời tăng nguồn hàng, tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng.
Thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế người vào các trung tâm nên sẽ kéo dài thời gian hoạt động của các siêu thị từ 7h sáng đến 23h.
Bên cạnh đó, sở Công Thương TP.HCM cũng đã làm việc với các chuỗi cung ứng, hệ thống doanh nghiệp để gia tăng hàng hóa đáp ứng nhu cầu cho người dân thông qua các kênh mua bán hiện đại.
Quá trình cung ứng hàng hóa cho các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ trên địa bàn Thành phố, các thương nhân, thương lái thay vì trao đổi, mua bán hàng hóa trực tiếp sẽ chuyển sang giao dịch qua thương mại điện tử, điện thoại.
Lãnh đạo ngành công thương TP.HCM cũng cho biết, trên địa bàn Thành phố có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm, 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng bách hóa bán thực phẩm phục vụ cho người dân TP.Thủ Đức và các quận, huyện.
Lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp bình ổn, lượng hàng thông qua các tiểu thương hoạt động tại 3 chợ đầu mối vẫn về TP.HCM với khối lượng tương đối dồi dào.
Về tình hình ứng dụng đặt hàng trực tuyến tại các siêu thị luôn trong tình trạng quá tải, không truy cập được, theo ông Hoàng Vũ, hiện có khoảng 17 hệ thống siêu thị và trung tâm thực hiện bán hàng online.
Sự gia tăng tối thiểu của loại hình này là 45% và có nơi tăng gần 100%. Do lượng mua hàng quá đông nên có những thời điểm khách không đặt hàng được do hệ thống quá tải. Các siêu thị đang điều tiết các kênh này lại.
Giám đốc sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định: “Với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống”.
Siêu thị tăng thời gian mở cửa
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cũng cam kết: “Hàng hoá về siêu thị cũng không thiếu. Vừa qua, có một số kệ hàng hoá tại các siêu thị bị trống là do gia tăng mua hàng cục bộ, chỉ diễn ra tại một số khung giờ do nhân viên không châm hàng lên kịp”.
Bên cạnh các hệ thống cung ứng hiện đại, phía Saigon Co.op cũng đã làm việc với các quận, huyện để hỗ trợ các kênh bán hàng online, các kênh đi chợ phụ, đi chợ thay người lớn tuổi. Lực lượng đi chợ phụ là của Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên.
Từ 8/7, tùy vào tình hình thực tế tại các địa phương, toàn bộ hệ thống Co.opmart trên địa bàn TP.HCM sẽ tăng cường phục vụ người dân từ 6h sáng đến khi hết khách, có thể kéo dài đến 24h mỗi ngày.
Trong khi đó, ông Lâm Quốc Thanh, Giám đốc hệ thống Satra cho biết, đơn vị này có 3 siêu thị, 188 cửa hàng trên các quận, huyện. Tính ra mỗi quận huyện có 10-15 cửa hàng.
“Từ 18h hôm qua đến ngày 7/7, lượng hàng tăng gấp 5 lần ngày thường. Kệ hàng thiếu là do cục bộ, chưa châm hàng kịp chứ không phải thiếu hàng hóa. Chúng tôi sẽ điều động thêm nhân viên để kịp thời châm hàng lên kệ, tăng thời gian mở cửa”, ông Thanh nói.
Thậm chí, đại diện hệ thống Satra còn “có kho dự trữ thịt trong vòng 1 tháng, tới đây sẽ tăng dự trữ hàng hoá lên gấp đôi”. Đồng thời, Vissan có kho thịt đông lạnh đến 4-5 tháng nên hàng hoá luôn dồi dào, đảm bảo tiêu thụ.
Còn theo đại diện MM Mega Market, đơn vị đang triển khai hình thức bán hàng online và qua app điện thoại. Nhằm tránh tình trạng khách hàng tập trung mua sắm đông đúc, tùy theo diện tích mặt bằng của mỗi siêu thị, MM Mega Market sẽ sắp xếp một lượng khách vào mua sắm nhất định, đảm bảo an toàn về giãn cách.
Trao đổi về vấn đề lưu thông hàng hóa, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải TP.HCM Võ Khánh Hưng cho biết, 4 tỉnh giáp ranh TP.HCM là Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương đã thành lập các chốt kiểm soát, yêu cầu tài xế trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 hoặc 5 ngày mỗi khi đi qua.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đang bàn bạc và thống nhất với các đơn vị liên quan về thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tài xế vận chuyển hàng hóa.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sieu-thi-tphcm-mo-cua-den-nua-dem-dam-bao-khong-thieu-hang-a556101.html