Mới đây, Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Licogi 13 (HNX: LIG) đã thông qua Nghị quyết chuyển nhượng 100% vốn góp tại công ty TNHH MTV Điện mặt trời Quảng Trị, doanh nghiệp sở hữu dự án điện mặt trời LIG Quảng Trị.
Được biết, công ty TNHH MTV Điện mặt trời Quảng Trị là công ty con mà Licogi 13 nắm 100% vốn. Theo báo cáo thường niên năm 2020 của Licogi 13, vốn điều lệ của công ty con này ở mức 242 tỷ đồng.
Hiện công ty TNHH MTV Điện mặt trời Quảng Trị đang sở hữu dự án Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị. Dự án này đặt tại huyện Gio Linh, Quảng Trị có công suất 49,5 MWp với sản lượng thiết kế 67.960 MWh/năm với tổng mức đầu tư là 1.125 tỷ đồng.
Nhà máy bắt đầu vận hành từ tháng 5/2019 và được hưởng giá bán điện ưu đãi 9,35 cents/kWh, theo Nghị quyết về cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam được Chính phủ ban hành tháng 9/2018. Giá trị chuyển nhượng theo tiết lộ của ban lãnh đạo LIG dự kiến có thể lên tới hơn 456 tỷ đồng.
Về phía nhận chuyển nhượng là VN Green Holdings PTE. Ltd – một tổ chức có trụ sở tại Singapore thành lập vào tháng 10/2020.
Đây cũng chính là công ty chuyên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thuộc Dragon Capital Group – tổ chức đầu tư nước ngoài lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết, trong vài năm trở lại đây, Dragon Capital cũng tham gia vào một số dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện mặt trời.
Trước đó, năm 2020, LIG đã thành lập 3 công ty tại Quảng Trị để phục vụ việc chuyển giao chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời LIG Quảng Trị theo yêu cầu của tỉnh, nhằm thuận lợi cho việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách tại địa phương Các công ty được thành lập gồm công ty Cổ phần Điện mặt trời LIG Quảng Trị; công ty Cổ phần Năng lượng LIG và công ty TNHH MTV Điện mặt trời Licogi 13.
Tuy nhiên, do chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định nên các đơn vị trên lần lượt được giải thể khi chưa hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nói thêm về Locogi 13, tiền thân là xí nghiệp cơ giới số 13, cổ phần hoá từ năm 2005. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực thi công xây lắp mặt bằng, các công trình dân dụng, công nghiệp chủ yếu tại khu vực miền Trung, ngoài ra công ty còn đầu tư cổ phần vào một số doanh nghiệp vận hành một số dự án thuỷ điện, điện mặt trời, điện gió.
Về hoạt động kinh doanh của Licogi 13, trong những năm gần đây, doanh nghiệp này luôn ghi nhận mức doanh thu nghìn tỷ và giữ vững đà tăng trưởng dương qua các năm. Tuy nhiên, lợi nhuận mỗi năm cũng chỉ quanh mức vài chục tỷ đồng.
Bước sang năm 2021, Licogi đã thống nhất với kế hoạch doanh thu đạt 2.250 tỷ đồng, đi lùi 4% so với thực hiện năm trước đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ kỳ vọng đạt 64 tỷ đồng. Licogi 13 cũng dự kiến sẽ sử dụng 2.270 tỷ đồng cho hoạt động đầu năm trong năm 2021.
Để đảm bảo nguồn vốn, Licogi 13 còn dự kiến phát hành riêng lẻ 25,7 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền dự kiến huy đồng 257 tỷ đồng sẽ đầu tư vốn góp vào các công ty, bao gồm: 160 tỷ đồng vào hai công ty vận hành hai dự án điện gió Hướng Hoá 1, 2 tại tỉnh Quảng Trị; 77 tỷ đồng dự kiến đầu tư vào công ty sở hữu dự án thuỷ điện Nậm Pàn 5 và 20 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn góp tại công ty nền móng xây dựng Licogi 13 để duy trì tỷ lệ chi phối 51%.
Ngoài ra, công ty còn lên kế hoạch huy động 500 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư hợp tác tại các dự án khu đô thị Bắc Kênh đào (An Giang) và khu công nghiệp Quán Ngang (Quảng Trị).
Trước đó, khi trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, quy định phê duyệt xây dựng các dự án năng lượng tái tạo cho các nhà đầu tư trong nước đã có, dẫu vậy, điều dư luận quan tâm là thời gian vận hành dự án của chính doanh nghiệp được Nhà nước phê duyệt phải được thực hiện trong thời gian bao lâu.
Theo bà Phạm Chi Lan, thông thường đối với các dự án quan trọng của các quốc gia thì đều có quy định ưu tiên cho nước chủ nhà được mua lại dự án.
"Hơn nữa, những dự án năng lượng được chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài hầu như đều mới vận hành, hoặc vận hành giữa chừng. Điều tôi quan ngại là những rủi ro đến từ quá trình chuyển giao, nhất là việc tiếp tục vận hành các dự án năng lượng có đảm bảo được thời gian lâu dài hay không, hay lại tiếp tục bán cho đối tác khác? Nói như vậy, bởi đây không chỉ là vấn đề an ninh năng lượng mà còn cả an ninh quốc gia, không thể xem nhẹ vấn đề này", vị chuyên gia băn khoăn.
“Kể cả đối với nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước Việt Nam nên có quyền từ chối đối tượng được nhà đầu tư chọn chuyển nhượng dự án, nếu đối tượng đó không đủ năng lực hoặc có nguy cơ gây phương hại cho an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng của Việt Nam”, bà Lan nói và nhấn mạnh rằng, việc doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần tại dự án năng lượng phải chọn các đối tác có năng lực tài chính và công nghệ vững mạnh.
Nguyễn Thu Huyền - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/licogi-13-sang-tay-du-an-dien-mat-troi-cho-dn-ngoai-du-thu-ve-456-ty-dong-a556232.html