Nhiều hạng mục giá cao bất thường
Theo Quyết định số 32/QĐ-TT ngày 5/5/2020 do ông Lê Trung Hiếu , Phó Giám đốc trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính ký phê duyệt cho liên doanh công ty Cổ phần HPEC Việt Nam – công ty TNHH Thương mại Thành Ngân trúng “Gói thầu số 03: Mua sắm tập trung máy móc, thiết bị văn phòng đợt 1 năm 2020”. Giá trúng thầu là 6.704.583.000 đồng (Sáu tỷ, bảy trăm linh tư triệu, năm trăm tám mươi ba nghìn đồng); giá dự toán gói thầu là 6.754.595.000 đồng (Sáu tỷ, bảy trăm năm mươi tư triệu, năm trăm chín mươi lăm nghìn đồng).
Khi nghiên cứu, phân tích đơn giá các thiết bị trong gói thầu, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá thành nhiều thiết bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá thị trường. Cụ thể, PV Đời sống và Pháp luật đã liên hệ với công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại VietCom (địa chỉ tại Thanh Xuân, Hà Nội) và công ty TNHH Điện lạnh Thịnh Phát (địa chỉ tại quận Long Biên, Hà Nội), được các nhân viên gửi chi tiết bảng báo giá sản phẩm có thương hiệu, mẫu mã, xuất xứ, chức năng… giống với sản phẩm trong gói thầu số 03 kể trên, giá báo trùng với thời điểm sở Tài chính duyệt chi gói thầu này.
Để giúp độc giả dễ hình dung về hiện tượng bất thường này, PV đã thống kê các mặt hàng đội giá theo bảng dưới đây.
Nhìn vào bảng thống kê này, có thể thấy số tiền chênh lệch lớn nhất là hạng mục sản phẩm Ricoh SP 230DNW (máy in) với 173.978.000 đồng/119 chiếc. Cụ thể, lấy đơn giá dự thầu trừ đi giá thị trường thì có thể thấy, mỗi chiếc máy in loại này, sở Tài chính tỉnh Thái Bình đã mua đắt hơn giá thị trường là 1.462.000 đồng (4.962.000 – 3.500.000).
Có những sản phẩm như Canon IR2530W (máy photo), sở Tài chính tỉnh Thái Bình đã duyệt chi ở mức giá cao hơn thị trường 15.300.000 đồng (67.300.000 đồng so với 52.000.000 đồng). Đây là một con số chênh lệch không hề nhỏ. Tính tổng 6 sản phẩm máy photo loại này, nguy cơ thiệt hại cho ngân sách Nhà nước đã có thể ước tính đến 91.800.000 đồng.
Hay máy Fuji Xerox DocuCentre S2320 CPS, giá mua tại gói thầu cao hơn thị trường là 12.500.000 đồng (35.500.000 so với 23.000.000 đồng). Với mức chênh cao như vậy thì chỉ với 3 sản phẩm, ngân sách đã có thể bị thâm hụt khoảng 37.500.000 đồng.
Phóng viên vẫn chưa tiến hành rà soát đầy đủ toàn bộ mặt hàng trong gói thầu nhưng với cách tính tương tự, chỉ sơ bộ 15 đầu mục sản phẩm như bảng thống kê trên thì ngân sách Nhà nước đã có nguy cơ bị thất thoát hơn 1 tỷ đồng.
Để có thông tin đa chiều, PV đã liên hệ với các đơn vị liên quan. Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Phạm Đức Thành – Phó Giám đốc sở Tài chính Thái Bình cho biết: “Giám đốc Sở đã giao việc này (thông tin giải đáp về vấn đề đội giá thiết bị trong gói thầu – PV) cho văn phòng phối hợp với trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính làm việc với cơ quan báo chí”.
PV cũng đã liên lạc với phía trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính và được ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm này cho hay: “Chúng tôi đang soạn văn bản báo cáo cấp trên, khi nào lãnh đạo duyệt sẽ thông tin lại”.
Câu chuyện đáng phải suy nghĩ, cần rà soát lại
Trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật, ông Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH khóa XIV) cho rằng: Mục tiêu của đấu thầu là để tránh những câu chuyện nâng giá, làm sai, tham nhũng, giúp cơ quan tổ chức đấu thầu lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, cung cấp những thiết bị hàng hóa có chất lượng với giá cả hợp lý.
“Nếu cùng một thiết bị, cùng model, cùng nhà sản xuất nhưng lại có những mức giá chênh lệch khác nhau giữa giá đấu thầu và giá thị trường thì câu chuyện này đáng phải suy nghĩ”, ông Nhưỡng nói.
“Bản thân những người thuộc cơ quan quản lý Nhà nước tham gia quá trình đấu thầu, chịu trách nhiệm về quy trình đấu thầu phải nắm được thị trường, có mạng lưới thông tin để khống chế giá cả khi xét hồ sơ dự thầu. Còn nếu vì mục đích riêng tư, tự bịt mắt lại để giá cả nhảy múa rồi chỉ nhìn vào hồ sơ và ký thì không được”, ông Nhưỡng nêu quan điểm cá nhân.
Vị ĐBQH khóa XIV của tỉnh Bến Tre cũng đặt vấn đề, giá chênh lệch ở sản phẩm như vậy chứng tỏ là có dấu hiệu của tiêu cực. Từ những lo ngại này, ông Nhưỡng nhấn mạnh: “Đây là vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý. Có thể quá trình đấu thầu diễn ra đúng quy trình, chưa cần nói có thông đồng, móc ngoặc giữa đơn vị tổ chức đấu thầu với đơn vị dự thầu, trúng thầu hay không nhưng có những dấu hiệu bất thường như vậy thì cần xét đến trách nhiệm của những người đứng ra ký duyệt gói thầu”.
Cùng đưa quan điểm về việc thiếu minh bạch trong hoạt động đấu thầu, ông Bùi Đức Thụ, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia, nguyên Ủy viên Thường trực uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ĐBQH khóa XIII cho rằng: Luật Đấu thầu đã buộc các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách phải minh bạch, công khai, thực hiện theo đúng quy định luật hiện hành. Tất cả các gói thầu đều phải được thực hiện đúng theo quy trình, thủ tục.
“Tôi đề nghị cần có sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện công tác đấu thầu từ nguồn vốn của Nhà nước xem mặt nào bất cập, bất cập do đâu. Nếu do quản lý điều hành thì phải có biện pháp chấn chỉnh lại ngay. Còn nếu do thể chế còn bất cập thì đề nghị điều chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa các quy định của pháp luật theo tình hình thực tiễn theo hướng đơn giản hoá thủ tục, huy động được các nhà thầu tham gia rộng rãi hơn.
Bất cứ cơ quan, tổ chức nào thực hiện không tròn vai, không thực hiện hết trách nhiệm của mình kể cả cơ quan quyết định tổ chức đấu thầu cũng như cơ quan giám sát, trúng thầu thực hiện trái với luật định thì đều phải xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật”, ông Bùi Đức Thụ nói.
Đại Nam – Đức Bình/ Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thai-binh-nguy-co-that-thoat-von-dau-tu-cong-tai-so-tai-chinh-a556319.html