"Thổi phồng" công dụng, TPBVSK Humfree vi phạm quy định về quảng cáo

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe HumFREE đang gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng với nội dung quảng cáo như thuốc chữa bệnh.

Cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) vừa phát đi thông báo, trong thời gian vừa qua, trên website/đường link:c/vn/7981/humfree.html quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe HumFREE với nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thực hiện quảng cáo khi chưa có xác nhận nội dung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Cục An toàn thực phẩm đã xác minh đối với tổ chức công bố các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe HumFREE (là Công ty cổ phần Việt Nga).

Theo đó, Công ty cổ phần Việt Nga khẳng định không thực hiện quảng cáo sản phẩm trên website nêu trên.

thuc-pham-bvsk-humfree-vi-pham-quy-dinh-ve-quang-cao-1626488595.jpg
Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ HumFREE của Công ty cổ phần Việt Nga vi phạm quy định về quảng cáo  

Trong lúc chờ xác định chủ thể vi phạm, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Humfree quảng cáo vi phạm trên website nêu trên.

Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của bộ Thông tin và Truyền thông xác minh, xử lý và công khai kết quả xử lý theo quy định.

Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng cố tình làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng.

Liên quan tới vấn đề xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng Internet, theo Phó Cục trưởng cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga, Cục đã có nhiều buổi trao đổi với các cơ quan thuộc bộ Thông tin & Truyền thông, Cục An ninh mạng, Công an TP Hà Nội để siết chặt hơn nữa việc xử lý quảng cáo vi phạm. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh, bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh là trái quy định pháp luật.

Hải Đăng (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thoi-phong-cong-dung-tpbvsk-humfree-vi-pham-quy-dinh-ve-quang-cao-a556440.html