Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Masan (Masan Group; MCK:MSN) vừa ra thông báo CTCP Masan (Tên viết tắt: MIC) đăng ký mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu của Tập đoàn này trong thời gian từ 22/7 đến 20/8 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Đây đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 369 triệu cổ phiếu Masan Group, tương đương với 31,28% cổ phần. Sau khi giao dịch thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của MIC tại Masan Group lên 31,58%.
Đồng thời, Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương cũng đăng ký mua vào 1,5 triệu cổ phiếu MSN trong thời gian tương tự. Đây là công ty con của MIC và đang sở hữu 13,25% cổ phần Masan Group. Sau khi hoàn tất giao dịch, công ty này sẽ sở hữu 13,38% cổ phần Masan Group.
Như vậy, tổng khối lượng nhóm Masan liên quan tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đăng ký mua đợt này là 5 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, thị giá MSN là 119.400 đồng/cp, ước tính số tiền nhóm của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sắp chi ra gần 600 tỷ đồng.
Hiện tỷ phú Nguyễn Đăng Quang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MIC, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Masan Group. Ông Quang chỉ nắm giữ trực tiếp 15 cổ phiếu MSN nhưng sở hữu gián tiếp lượng lớn cổ phần thông qua MIC (ông có sở hữu 48,5% vốn MIC).
Bà Nguyễn Hoàng Yến (vợ ông Quang) đang là thành viên HĐQT tại cả Masan Group và MIC, nắm giữ trực tiếp hơn 42,4 triệu cổ phiếu MSN. Người liên quan còn có ông Nguyễn Thiều Nam và bà Nguyễn Thị Thu Hà, cùng là thành viên HĐQT Masan Group và MIC.
Trước giao dịch trên, tổng sở hữu của MIC và người có liên quan là hơn 595 triệu cổ phiếu MSN, trở thành nhóm cổ đông lớn nhất nắm giữ 50,35% cổ phần Masan Group. Sau khi thực hiện giao dịch, nhóm này sẽ sở hữu hơn 600 triệu cổ phiếu MSN, tương đương với 50,78%.
Về cơ cấu cổ đông của Masan Group, ngoài nhóm công ty MIC và người có liên quan còn có nhóm quỹ thuộc Chính phủ Singapore (GIC) sở hữu 10,68%, SK Investment nắm giữ 9,31% cổ phần và các cổ đông khác phần còn lại.
Từ đầu năm đến nay Masan liên tục thực hiện các thương vụ M&A với hơn 800 triệu USD được các nhà đầu tư rót vào các công ty con của tập đoàn. Ngược lại, Masan cũng chi ra 15 triệu USD để mua lại 20% cổ phần của Phúc Long- thương hiệu trà và cà phê của Việt Nam, mở ra mô hình kiosk Phúc Long trong VinMart+.
Trước đó, Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành hàng để mở rộng vị thế của mình.
Masan đã mua lại mảng bán lẻ VinCommerce từ Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; mua cổ phần kiểm soát mỏ Núi Pháo; thâu tóm Vinacafe Biên Hòa; Vĩnh Hảo; mua cổ phần Thực phẩm Cholimex; đầu tư vào Proconco và ANCO; mua kiểm soát NETCO; 3F Việt,...
Về kế hoạch tài chính năm 2021, Masan Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 92.000 đến 102.000 tỷ đồng, tăng từ 19% đến 32% so với năm 2020. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty đạt từ 2.500 đến 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 103% đến 224% so với năm 2020. Riêng trong quý I, doanh thu tập đoàn tăng 13% lên gần 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty đạt 187 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 22% và 7,5% kế hoạch ở mức thấp.
Dương Thị Thu Nga - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ty-phu-nguyen-dang-quang-chi-600-ty-de-tang-so-huu-tai-masan-group-a556576.html