Hà Nội thành lập Tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao động

Nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thủ đô theo tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 15/CĐ-UBND và Phương án 162/PA-UBND của UBND thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố đã thành lập Tổ ứng phó khẩn cấp hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tổ gồm 9 người có nhiệm vụ phối hợp với Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội và các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã rà soát nắm chắc số lượng đoàn viên, người lao động ở từng doanh nghiệp, từng khu, cụm, điểm công nghiệp; nắm số lượng đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; chủ động nắm bắt, tiếp nhận và tham mưu xử lý kịp thời thông tin về nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động về nhu cầu được hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Tổ có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hỗ trợ đoàn viên, người lao động khi bị cách ly, nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, không để đoàn viên, người lao động bị đói ăn, thiếu chỗ ngủ; tham mưu đề xuất địa điểm, phương án đặt các “Siêu thị 0 đồng”, các điểm trung gian tiếp nhận cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người lao động phù hợp với diễn biến tình hình thực tế; tham mưu, đề xuất với Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội làm việc với các nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu để chủ động về nguồn và phương án cung cấp hàng hóa nếu tình hình có diễn biến phức tạp.

ha-noi-21720212-1716525979.jpg
 

Ngoài ra, tổ đề xuất các hình thức, định mức, cơ chế, nguồn kinh phí hỗ trợ đoàn viên, người lao động khi bị cách ly, nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là đoàn viên, người lao động bị cách ly, nghỉ việc do doanh nghiệp bị phong tỏa và đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động dịch bệnh, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, trong thời gian qua, tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp được duy trì ổn định, không có vụ việc phức tạp xảy ra. Đáng chú ý, công tác chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các Công đoàn cơ sở doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được các cấp Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động phát huy hiệu quả tích cực, kịp thời giúp người lao động và doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, ổn định tình hình quan hệ lao động, sản xuất kinh doanh, ổn định tư tưởng, đời sống, việc làm của người lao động.
Các cấp Công đoàn thành phố chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu, ủng hộ Quỹ vaccine và Quỹ phòng, chống dịch với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng cho 16.052 đoàn viên, người lao động và 1.954 doanh nghiệp có Tổ An toàn COVID-19. Cũng trong thời gian từ ngày 27/4 đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã vận động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung, ủng hộ Quỹ vaccine và Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của thành phố với tổng số tiền hơn 78 tỷ đồng...
Công nhân lao động Công ty Xích líp Đông Anh (Hà Nội) thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN phát
Theo đánh giá của các cấp Công đoàn cơ sở, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động. Tính đến thời điểm này có hơn 250 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.203 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; số công nhân lao động mất việc làm 7.533 người; số công nhân lao động thiếu việc làm 28.615 người.


 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/venus-gas-cua-dai-gia-hiep-gas-kinh-doanh-ra-sao-a556702.html