Theo báo VietNamNet, tại Nghị quyết về việc thông qua phương án phát hành chi tiết chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines, Hội đồng quản trị (HĐQT) của hãng cho hay, sau khi hoàn tất đợt phát hành, số vốn điều lệ tăng thêm được sử dụng bổ sung vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines do tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19.
Cụ thể, lượng vốn huy động được thông qua hình thức này là 8.000 tỷ đồng và phần lớn sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ.
Trong đó, trả nợ 2.050 tỷ đồng cho các khoản vay đến hạn của các tổ chức tín dụng; 3.950 tỷ đồng thanh toán nợ quá hạn và nợ đến hạn cho các đối tác, nhà cung cấp; 2.000 tỷ đồng thanh toán vốn lưu động để đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như trả lương, thuế, hoàn vé, các khoản thanh toán không vay được ngân hàng (thu hộ, trả hộ, bù trừ công nợ,...) các khoản nợ vay đến hạn trong năm 2020.
Vietnam Airlines cho hay, trong quý 1/2020, nợ quá hạn của hãng tại các ngân hàng cũng lên tới 2.500 tỷ đồng.
Trong Phụ lục đính kèm, Vietnam Airlines cũng thông tin chi tiết về khoản nợ gần 13.338 tỷ đồng nợ quá hạn các đối tác, nhà cung cấp tính đến 30/6.
Trong đó khoản nợ lớn nhất là hơn 7.099 tỷ đồng tiền thuê máy bay từ 12 đối tác như Jackson Square Aviation Ireland Limited (JSA), BBAM, DAE, ACG, CLOVE, CAVIC, VALC, ALC,...
Tiếp đến là 4.021 tỷ đồng Vietnam Airlines nợ quá hạn nhiên liệu, sửa chữa bảo dưỡng động cơ, phụ tùng vật tư từ nhiều đối tác trong và ngoài nước, như Air France, KLM Engineering and Maintenance, Rolls-Royce plc,... Khoản còn lại,1.847 tỷ là nợ dịch vụ chuyến bay, dịch vụ hàng không của các đối tác trong nước, như Tổng công ty Quản lý bay (VATM), Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO), Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) và các đối tác khác.
Ngoài ra, các khoản nợ đến hạn mà Vietnam Airlines cần thanh toán cho các ngân hàng trong năm 2021 là 2.053 tỷ đồng, gồm Vietcombank (738 tỷ đồng, lãi suất 4.2% và 390 tỷ đồng lãi suất 3,5%), BIDV (236 tỷ đồng lãi suất 4,6%), SeABank (400 tỷ đồng lãi suất 4,8%) cùng nhiều tổ chức tín dụng quốc tế như: JP Morgan, Citibank và ING.
Để huy động 8.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines sẽ chào bán 800 triệu cổ phiếu, giá chào bán 10.000 đồng, theo hình thức mua thêm cổ phiếu phát hành, chuyển nhượng quyền mua. Tỷ lệ thực hiện quyền mua là 56,4%, 1 cổ phiếu hưởng 1 quyền mua. Cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hiện hữu sẽ được mua tương ứng 56,4 cổ phiếu phát hành thêm.
Theo báo VnExpress, nửa đầu năm nay, công ty mẹ Vietnam Airlines ước lỗ khoảng 9.823 tỷ đồng, lỗ hợp nhất dự kiến khoảng 10.788 tỷ đồng, các chỉ số tài chính diễn biến theo hướng rất tiêu cực và rủi ro.
Do năng lực sản xuất vẫn ở mức thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, Vietnam Airlines đưa ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay đều xấu hơn năm ngoái. Trong đó, doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 11,6% xuống còn gần 37.400 tỷ đồng. Hãng hàng không quốc gia dự kiến lỗ hợp nhất 14.526 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2020.
Kế hoạch này được xây dựng trên giả định Vietnam Airlines hoàn thành bán 11 tàu bay A321, Chính phủ cho phép mở cửa đón khách đến Phú Quốc, áp dụng hộ chiếu vaccine, hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và có các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ.
Hải Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vietnam-airlines-dang-ganh-khoan-no-len-den-hon-13300-ty-dong-a556792.html