Đại diện bộ GD&ĐT cho rằng, đề thi môn Tiếng Anh năm nay đã phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn.
Ngày 26/7, bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi và một số khối xét tuyển truyền thống năm 2021.
Đánh giá tổng quan về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng cục Quản lý chất lượng (bộ GD&ĐT) cho rằng, nhìn một cách khái quát thì phổ điểm của phần lớn các môn thi trong đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 về cơ bản gần với phân bố chuẩn.
So với năm 2020, các thông số thống kê cơ bản của các phổ điểm thi năm nay không thay đổi nhiều. Điều này nói lên kỳ thi cơ bản ổn định.
Qua phân tích phổ điểm cho thấy, đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi là tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có độ phân hoá phù hợp.
Đáng chú ý, môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm nay được cho là có phổ điểm "lạ". Theo đó, phổ điểm chung của cả nước đối với môn thi này xuất hiện 2 đỉnh (một đỉnh ở ngưỡng 4,0 điểm và một đỉnh ở ngưỡng 9,0 điểm) và dường như là phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn.
Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn.
Trao đổi với VOV, Cục trưởng cục Quản lý chất lượng cho rằng, phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm thi tiếng Anh của một số tỉnh thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn ngoại ngữ giữa các quận, huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
"Để có cách nhìn toàn diện, chính xác với phổ điểm môn tiếng Anh, chúng tôi đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở các vùng miền khó khăn và vùng miền có điều kiện dạy học thuận lợi.
Đối với nhóm thí sinh thuộc vùng miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…, đặc biệt 2 năm qua bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các em phải học trực tuyến khiến việc học ngoại ngữ bằng hình thức này có những thiệt thòi nhất định. Kết quả phân tích phổ điểm của nhóm thí sinh thuộc vùng miền này cho thấy điểm trung bình thấp hơn nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn.
Tương tự phân tích với nhóm thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn thì kết quả điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn", ông Mai Văn Trinh cho biết.
Mặc dù đề thi môn Tiếng Anh được nhận định dễ hơn so với năm 2020 nhưng mức độ phân hóa không cao và hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của việc xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Để có những chỉ đạo trong công tác quản lý và tổ chức triển khai dạy học tiếng Anh đạt hiệu quả hơn, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng cục công nghệ thông tin (bộ GD&ĐT) bày tỏ, Bộ này phân tích cụ thể các nguyên nhân tạo nên 2 đỉnh của phổ điểm môn Tiếng Anh.
Cần phân loại cụ thể địa phương/vùng miền nào có phổ điểm lệch trái, nơi nào với điều kiện ra sao thì phổ điểm lệch phải. Những phân tích ấy sẽ có tác dụng rất lớn, giúp bộ GD&ĐT, đặc biệt là các sở GD&ĐT có sự điều chỉnh công tác chỉ đạo và triển khai dạy học để chất lượng giáo dục được nâng lên.
Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/pho-diem-la-o-mon-tieng-anh-bo-gddt-noi-gi-a556887.html