Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhà trường điều chỉnh đề án tuyển sinh năm 2021 theo hướng bổ sung thêm một phương thức tuyển sinh mới xét tuyển thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh lớp 12 thuộc diện được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 theo quy định của bộ GD-ĐT vẫn có cơ hội được vào học tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khi các phương thức xét tuyển không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 của trường đã kết thúc.
"Với việc bổ sung phương thức xét tuyển trên, cùng với hơn 50% chỉ tiêu còn lại xét tuyển theo điểm tốt nghiệp THPT và 10% chỉ tiêu bổ sung xét tuyển theo kết quả của 3 năm THPT, các thí sinh từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào Phân hiệu trường ĐH Kinh tế TP.HCM tại Vĩnh Long" - ông Bảo cho biết.
Xét tuyển thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT là phương thức xét tuyển thứ 7 của trường trong năm nay. Nhà trường dành 200 chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy cho phương thức này, trong đó 150 chỉ tiêu cho cơ sở TP.HCM và 50 chỉ tiêu cho Phân hiệu Vĩnh Long.
Số chỉ tiêu này cũng không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của phương thức tuyển sinh dựa trên điểm thi THPT cũng như các phương thức tuyển sinh khác mà UEH đã công bố.
Đối tượng tuyển sinh của phương thức này là thí sinh không trúng tuyển các phương thức tuyển sinh khác của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và thuộc diện được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 theo quy định của Bộ GD-ĐT, có kết quả quá trình học tập từng năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 để làm cơ sở xét tuyển.
Đối với xét tuyển học tại cơ sở TP.HCM, trường xét tuyển trên phạm vi cả nước. Đối với xét tuyển học tại Phân hiệu Vĩnh Long, xét tuyển thí sinh tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng 4 ngành kinh doanh nông nghiệp, thương mại điện tử, ngôn ngữ Anh và quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành xét tuyển trên phạm vi cả nước.
Theo báo Tiền Phong, phương thức xét tuyển vẫn dựa trên các nguyên tắc xét tuyển đã xây dựng trong đề án tuyển sinh, đánh giá thành quả học tập của thí sinh một cách toàn diện qua nhiều tiêu chí khác nhau. Điểm xét tuyển là tổng điểm được quy đổi từ các tiêu chí sau:
- Tiêu chí bắt buộc: kết quả quá trình học tập từng năm lớp 10, lớp 11, lớp 12.
- Tiêu chí ưu tiên, không bắt buộc: Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; Giải thưởng Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh Giỏi THPT cấp tỉnh/thành phố; Là học sinh Trường THPT chuyên/năng khiếu.
Được biết, trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 này, TP.HCM và các tỉnh phía Nam chịu nhiều ảnh hưởng nhất do số ca bệnh tăng mạnh. Để chống dịch, TP.HCM, Hà Nội và nhiều địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn, hạn chế cho công tác tổ chức thi cử, tuyển sinh đại học năm 2021, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của các em sinh viên đang ở các khu cách ly, phong tỏa hoặc rơi vào các trường hợp F0, F1 và F2 dù bộ GD&ĐT cho phép đặc cách xét tốt nghiệp với các đối tượng trên nếu có nguyện vọng.
Hải Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/truong-dai-hoc-dau-tien-danh-rieng-200-chi-tieu-xet-thi-sinh-dac-cach-tot-nghiep-thpt-a556913.html