VinGroup sẽ xây dựng nhà máy có công suất dự kiến 100-200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19/năm tại Hòa Lạc.
UBND TP.Hà Nội vừa phát đi văn bản cho phép 5 công trình/dự án trọng điểm cấp bách được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Một trong 5 công trình/dự án nói trên là Dự án nhà máy sản xuất vaccine của Vingroup đặt tại Hòa Lạc (Hà Nội).
Trước đó, hôm 23/7, tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất vaccine phòng chống COVID-19 trong nước do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, bộ Y tế, bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ báo cáo, làm rõ tiến độ, kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, sản xuất vaccine trong nước thời gian qua.
Bộ Y tế cho biết Việt Nam hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện 2 vaccine là Nano Covax (Công ty Nanogen) và Covivac (Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang), đồng thời nhận chuyển giao công nghệ 2 vaccine khác từ Mỹ và Nhật.
Đối với vaccine Nanocovax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển, dự kiến các kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ được hoàn thành trong thời gian từ 4/8 đến 19/8/2021.
Bộ Y tế chỉ đạo và cử nhóm chuyên gia trong nước kết hợp cùng chuyên gia WHO đến hỗ trợ cho nhà sản xuất và nhóm nghiên cứu (Viện Pasteur TP.HCM - Học viện Quân y) hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các kết quả xét nghiệm tính sinh miễn dịch, hoàn thiện hồ sơ báo cáo và hồ sơ đăng ký để đệ trình các hội đồng xem xét thẩm định, dự kiến 15-20/8/2021.
Vaccine Covivac do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất, ngày 27/7 sẽ có kết quả đánh giá tính sinh miễn dịch, ngày 30/7/2021 nộp báo cáo giữa kỳ để chuyển sang giai đoạn 2. Có thể xem xét triển khai gối đầu giai đoạn 3 (vào tháng 9/2021) nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu.
Đối với vaccine do Tập đoàn VinGroup nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Acturus, Hoa Kỳ, dự kiến thử nghiệm lâm sàng trên người từ tháng 8/2021. Sau khi hoàn thành thử nghiệm sẽ triển khai sản xuất tại nhà máy ở Hòa Lạc. Thành phẩm sẽ có mặt trên thị trường dự kiến vào 2022.
Nhà máy dự kiến có công suất 100 đến 200 triệu liều/năm, vaccine sản xuất bằng công nghệ mRNA. Đây là công nghệ tương tự việc sản xuất vaccine Pfizer và cũng là vaccine dạng đông khô giống Pfizer.
Nhiệt độ bảo quản của loại vaccine này là 2-8 độ C, khác với Pfizer bảo quản ở nhiệt độ âm sâu (âm 75 đến âm 85 độ C).
Cũng theo thông tin từ bộ Y tế, trong ngày 28/7, trên 307.270 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm, tổng số liều vaccine ược tiêm là gần 5.321.840 liều, trong đó tiêm mũi 1 là gần 4.825.210 liều, tiêm mũi 2 là 496.630 liều.
Đây là ngày có số người được tiêm chủng lớn nhất kể từ đầu tháng 7 và một trong số ngày có số người được tiêm lớn nhất kể từ tháng 3/2021 khi Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo thống kê, hiện 5,5% dân số tại Việt Nam đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, chỉ cao hơn các quốc gia châu Phi, Afghanistan, Bangladesh...
So với nhu cầu, con số này vẫn rất chậm, kể cả so với số vaccine đã về (gần 15 triệu liều) và số người cần tiêm chủng
So với các quốc gia lân cận, tỷ lệ người dân đã tiêm ở Việt Nam thấp hơn Campuchia (hiện hơn 40%), Thái Lan (hơn 17%), Indonesia (gần 17%)...
Bạch Hiền (t/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/viet-nam-sap-co-nha-may-cong-suat-100-200-trieu-lieu-vaccine-ngua-covid-19nam-a557049.html