Tình hình chưa có nhiều chuyển biến
Chiều 30/7, tại họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết: “So với 2 ngày trước, tình hình dịch bệnh tại thành phố không thay đổi nhiều”.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM đã ban hành các biện pháp mạnh. Điều quan trọng nhất hiện nay là thực hiện nghiêm quy định đã ban hành và chỉ đạo mới nhất của Trung ương.
“Biểu đồ dịch bệnh của TP.HCM cho thấy, số ca F0 đang đi ngang đúng như dự báo. Chúng ta đang nỗ lực hết sức. Nếu người dân thực hiện nghiêm túc quy định, cùng với sự hợp tác của các lực lượng chức năng thì thành phố sẽ sớm ổn định”, ông Đức cho biết.
Sau chỉ đạo của TP.HCM, Công an TP.HCM đã có Văn bản 2984 ngày 29/7 để chỉ rõ quy định về biện pháp thực hiện nghiêm Chỉ thị 12 của thành phố dựa theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Lãnh đạo TP.HCM cũng khẳng định, khoảng 80% đối tượng dương tính với COVID-19 hầu như không có triệu chứng. Vì thế, nếu nhóm đối tượng này hiểu biết được cách tự chăm sóc thì có thể vượt qua cơn bệnh.
TP.HCM đã tiếp nhận sáng kiến do bộ Khoa học – Công nghệ, tổ giúp việc ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của quốc gia là triển khai mạng lưới tư vấn gồm các chuyên gia y tế để tư vấn từ xa.
Tối 28/7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo TP.HCM có buổi làm việc, trao đổi với hơn 1.000 chuyên gia để bắt đầu hoạt động chính thức từ hôm qua (ngày 29/7).
Thông qua hệ thống tổng đài trung ương và địa phương cùng với hàng loạt tình nguyện viên, lực lượng chuyên gia này có thể hướng dẫn thăm khám cho người dân đang tự cách ly tại nhà.
Điều đó rất có ích cho đối tượng F1 cách ly tại nhà, F0 không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Thành phố này đã phân công sở Y tế phối hợp với sở Thông tin – Truyền thông để xây dựng cơ chế hoạt động cho mô hình này, với mục tiêu giảm tải cho hệ thống y tế chính quy đang chống dịch.
Trả lời câu hỏi của báo chí về biện pháp giãn cách xã hội sau 1/8, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nói: “Thành phố đang liên tục thảo luận với Chính phủ, các cơ quan Trung ương về vấn đề này. Đề xuất mới nhất là TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 cùng các địa phương trong vùng phía Nam thêm khoảng 1 – 2 tuần”.
Vị lãnh đạo UBND TP.HCM cho rằng, sự thay đổi biện pháp chống dịch chỉ có thể áp dụng khi tình hình có chuyển biến tích cực.
Như trong ngày hôm nay (30/7), một doanh nghiệp trong khu Công nghệ cao tại TP.Thủ Đức đã bị chính quyền xử lý do vi phạm cam kết khi thực hiện “3 tại chỗ” nên phải dừng sản xuất.
Bộ Y tế cho phép biện pháp đặc thù
Tại họp báo, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng đề cập đến công văn mới nhất vào tối 29/7 của bộ Y tế. Theo đó, TP.HCM đã được tháo gỡ các khó khăn để tăng tốc độ tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19.
TP.HCM đang cụ thể hóa để triển khai tiêm vaccine tất cả người dân địa phương từ 18 tuổi. Đối tượng ưu tiên vẫn là nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi, mắc bệnh nền.
Công tác tiêm chủng của TP.HCM trong đợt kế tiếp sẽ theo tiêu chí “bộ Y tế cung cấp vaccine đến đâu, thành phố sẽ tiêm chủng đến đó”. Tất nhiên, hoạt động tiêm chủng cần được bố trí đúng quy định để không vi phạm Chỉ thị 16 đang áp dụng.
“Bộ Y tế đã cho phép TP.HCM thực hiện một số giải pháp đặc thù trong quá trình tiêm chủng nên chúng ta có điều kiện tiến hành tiêm chủng để phủ nhanh. Mục tiêu đề ra là trong tháng 8/2021 sẽ phải tiêm chủng cho 2/3 người dân trên 18 tuổi với 5 triệu liều vaccine”, ông Đức cho hay.
Ngoài nguồn vaccine từ bộ Y tế, TP.HCM còn nhận được tài trợ khi 1 triệu liều vaccine sẽ về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng mai, 31/7.
Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nói rõ: “Định nghĩa người dân TP.HCM là tất cả người đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Không phân biệt hộ khẩu. Các quận, huyện cần tổ chức quản lý phù hợp với thực tế để hoạt động tiêm chủng đạt hiệu quả cao nhất, nhanh nhất nhưng phải đảm bảo an toàn”.
TP.HCM sẽ huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, bao gồm cả công lập và tư nhân để tổ chức các điểm tiêm cố định và lưu động nhằm tiếp cận từng đối tượng khác nhau.
Đáng chú ý, mặc dù bộ Y tế quy định mỗi ngày mỗi điểm tiêm không tiêm vượt quá 200 liều vaccine nhưng do tình hình đặc thù nên TP.HCM có thể không giới hạn số lượng. Thậm chí, sẽ sắp xếp thêm buổi tối để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine.
Theo lời của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Bộ trường bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã lưu ý, hoạt động tổ chức tiêm chủng cho các khu phong tỏa cần đảm bảo an toàn, không vi phạm quy định. Thêm nữa, TP.HCM sẽ phải đẩy mạnh áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử để nâng cao quản lý.
Để thực hiện tốt việc tiêm vaccine, ông Đức nhấn mạnh vai trò chủ chốt của chính quyền quận, huyện, TP.Thủ Đức trong khi sở Y tế có nhiệm vụ đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực, đưa ra biện pháp cụ thể để đội tiêm làm đúng quy định.
Quy trình tiêm cũng được đơn giản hóa, không còn ràng buộc người được tiêm vaccine ngồi chờ sau tiêm tối thiểu sau 30 phút tại chỗ.
Hay việc rà soát sức khỏe trước tiêm cũng có thể thực hiện tại nhà, trước khi đến điểm tiêm chủng. Từ đó, lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng năng suất tiêm vaccine được nâng lên cao nhất.
Thông tin về số liệu tiêm chủng, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết: “Tính từ 14h ngày 22/7 đến 18h ngày 29/7 thì đã có 452.339 người dân thành phố được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Những ngày gần đây đều có trên 70.000 người được tiêm vaccine nên có thể ước đoán rằng trong đợt 5 này, thành phố đã tiêm vaccine cho gần 500.000 người”.
Ông Đức cũng chia sẻ: “TP.HCM phấn đấu là địa phương đầu tiên của cả nước đạt được độ phủ về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Đây là giải pháp lâu dài nhưng chúng ta phải làm từ ngay bây giờ”.
"Sau khi tiêm vaccine mũi 1 thì cần từ 30 – 45 ngày để phát huy tác dụng. Khi tiêm đủ 2 liều cũng cần thời gian nhất định để đạt miễn dịch. Cho nên người dân không được chủ quan sau khi tiêm vaccine.
Có những người sau khi tiêm 2 mũi vẫn bị nhiễm bệnh. Như tại Mỹ, biến chủng Delta đang khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại. Do đó, biện pháp 5K như khuyến cáo của bộ Y tế là đặc biệt quan trọng”, ông Đức đánh giá.
Nguyễn Thành Nhân - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tphcm-mo-rong-tiem-chung-vaccine-phong-covid-19-cho-toan-bo-nguoi-dan-a557085.html