Bóng dáng đại gia đứng sau thương vụ "Home For Home - nhà đổi nhà”

Chương trình kinh doanh bất động sản mới là “Home for home” (nhà cũ đổi nhà mới), được khởi xướng bởi Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes và Techcombank. Vậy chương trình này có gì người mua nhà cần chú ý để tránh rủi ro về sau?

h1-1627717226.png
Phối cảnh Masterise Grand Park, thuộc khu đô thị Vinhomes Grand Park, Quận 9.

Bóng dáng của “đại gia” đứng sau Masterise Homes

Theo dữ liệu tra cứu của Travelmag.vn, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes (kinh doanh chính bất động sản) thành lập ngày 5/11/2019 với vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng, đang là doanh nghiệp quản lý và phân phối những dự án bất động sản hàng đầu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…

Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes có trụ sở chính tại, văn phòng 6A, tầng 6, Tòa nhà phụ Khách sạn Park Royal Sài Gòn, Phường 1, Quận Tân Bình, TP.HCM, người đại diện pháp luật là bà Phan Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1974), hộ khẩu thường trú tại Cư xá Lữ Gia, phương 15, quận 11, TP.HCM, chủ sở hữu của doanh nghiệp này là Công ty CP đầu tư Thảo Điền có cùng địa chỉ đăng ký kinh doanh với Masterise Homes.

Masterise Group tiền thân là CTCP Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment) thành lập vào năm 2007, thành danh với sản phẩm đầu tay là dự án Khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) và sau đó là các dự án Masteri An Phú (Quận 2), Masteri Millennium (132 Bến Vân Đồn, quận 4), M-One Sài Gòn (quận 7), hay M-One Gia Định (quận Gò Vấp).

Tại phía Bắc, Thảo Điền Investment (Masterise Group) cũng hoạt động mạnh mẽ và không chỉ gói gọn trong mảng địa ốc nhưng khá kín tiếng. Giai đoạn năm 2016, bộ đôi pháp nhân có liên hệ tới Thảo Điền là CTCP Đầu tư TCO Việt Nam và Techcom Capital đã bỏ không ít công sức với dự án hàng không SkyViet. Và dù chết yểu sau đó khi không nhận được cái gật đầu của cơ quan quản lý, dự án SkyViet đã cho thấy tầm nhìn lẫn tiềm lực đáng gờm của Masterise Group.

Masteri Thảo Điền, số 159 Xa lộ Hà Nội, Thảo Điền (Quận 2 - TP.HCM)

Masteri Thảo Điền, số 159 Xa lộ Hà Nội, Thảo Điền (Quận 2 - TP.HCM)

Ở Hà Nội, trong 2 năm qua, một số pháp nhân có liên hệ với Masterise đã liên tục mở rộng quỹ đất sạch. Đơn cử, giai đoạn tháng 6/2019 – tháng 8/2019, Công ty TNHH MTV tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO (công ty con của Đầu tư TCO Việt Nam) và Công ty TNHH Bất động sản Minh Tân Hà Nội đã lần lượt nhận chuyển nhượng hơn 34,6 ha đất thuộc Khu đô thị Gia Lâm (huyện Gia Lâm, Hà Nội) và 37.525 m2 đất thành phần dự án kể trên từ Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm.

Bên cạnh đó, Đầu tư TCO Việt Nam là chủ dự án Vinhomes Thăng Long. Dự án quy mô 24,2 ha, bao gồm 798 căn biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề & nhà phố thương mại.

CTCP Đầu tư Thảo Điền (Masterise Group) còn là đơn vị phát triển dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội của CTCP Đầu tư Xây dựng số 9 Hà Nội (Hanco 9). Dự án khởi công từ năm 2017 và bắt đầu bàn giao nhà từ quý IV/2019.

Cũng ít ai biết, dự án Vinhomes Mễ Trì quy mô 320.965 m2 (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội) ban đầu thuộc sở hữu của nhóm Masterise Group, cụ thể là thông qua Công ty TNHH Quyền Tinh và các cổ đông liên quan góp vốn vào CTCP Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì. Doanh nghiệp dự án này sau đó được bán lại 100% cho Vinhomes.

Ngoài ra, nhóm Thảo Điền – Masterise Group cũng tham gia hợp tác cùng Trung Nam Group thành lập CTCP Thủy điện Trung Nam Bác Ái – nay là CTCP Điện gió Trung Nam Gia Lai – Xã Trang. Công ty có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trong đó nhóm cổ đông của Trung Nam Group nắm giữ 50% và nhóm Masteries Group – TCO Việt Nam nắm giữ 50%.

Mối quan hệ khăng khít đến mức không ít đồn đoán Masterise Group là “sân sau” của ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank. Dù chưa chính thức lên tiếng khẳng đinh, nhưng những thân tín của ông Hùng Anh đều là những nhân sự quan trọng tại Masterise Group.

Như trường hợp của, bà Đỗ Tú Anh (sinh năm 1974) – người cập nhật đến tháng 2/2020 vẫn là Chủ tịch HĐQT Masterise Group, là nhân sự cấp cao liên quan tới Techcombank. Được biết, bà hiện là Giám đốc chi nhánh miền Nam, Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Thành viên Ban đại diện Quỹ Đầu tư bất động sản Techcom Việt Nam (FUCVREIT).

Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được đồn đoán là người đứng sau Masterise Group

Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được đồn đoán là người đứng sau Masterise Group

Ngoài bà Tú Anh, không thể không kể đến vợ chồng ông Hồ Anh Ngọc, bà Nguyễn Hương Liên (ông Hồ Anh Ngọc là em trai ông Hồ Hùng Anh).

Ông Hồ Anh Ngọc (sinh năm 1982) từng giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masteries Group trong giai đoạn 2011 – tháng 7/2012. Hiện tại, ông đang là Chủ tịch HĐQT CTCP One Mount Group.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hương Liên (sinh năm 1985) từng giữ vị trí Người đại diện theo pháp luật Công ty TNHH Quyền Tinh. Đặc biệt, em dâu ông Hồ Hùng Anh cũng từng làm đại diện phần vốn góp tại 6 công ty con của Masterise Group, là: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Masterise Center, Công ty TNHH Dịch vụ Khách sạn Masterise Hotels, Công ty TNHH Dịch vụ nghỉ dưỡng Masterise World, Công ty TNHH Môi giới Masterise, Công ty TNHH Dịch vụ và Quản lý Bất động sản Masterise Services, Công ty TNHH Môi giới Masterise Agents.

Sau đó, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 – 5/2020, vị trí này đã được bà chuyển sang ông Trần Quốc Hoài.”

Masteri Parkland, đường Song Hành, Quận 2, TP.HCM

Masteri Parkland, đường Song Hành, Quận 2, TP.HCM

"Home For Home - nhà đổi nhà” rủi ro thế nào?

Home For Home - nhà đổi nhà” là giải pháp nhà ở vượt trội phát triển bởi Masterise Homes và Techcombank, vậy liệu chương trình này có gì người mua nhà cần phải chú ý đẻ tránh những rủi ro trong tương lại.

Bình luận về vấn đề này, Ông Nguyễn Văn Đình - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho hay, từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường BĐS ở Việt Nam, giao dịch BĐS giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp. Nhằm tháo gỡ khó khăn, nhiều chủ đầu tư dự án BĐS đã phải xây dựng những ý tưởng, giải pháp mới để kích cầu, như: Mua chung, đầu tư chung, nhà đổi nhà, nhà 0 đồng... giải pháp nào cũng có ưu điểm, nhưng tồn tại không ít băn khoăn liên quan đến lợi ích của khách hàng, nhà đầu tư, đặc biệt là chương trình “nhà đổi nhà”, người tham gia phải đang có nhà ở ổn định, sở hữu hợp pháp, được quyền tham gia mua nhà mới trong dự án mà không cần đồng tiền nào.

“Nghe thì có vẻ rất hợp lý, người mua và nhà đầu tư cần phải hết sức cẩn trọng khi thực hiện giao dịch để đảm bảo lợi ích của mình, tránh trường hợp xảy ra tranh chấp, đảm bảo cho các giao dịch được thực hiện minh bạch, lành mạnh” - ông Đính cho biết.

Công thức Win-Win-Win của giải pháp “Nhà đổi nhà” được các chuyên gia cảnh báo nhiều rủi ro

Công thức Win-Win-Win của giải pháp “Nhà đổi nhà” được các chuyên gia cảnh báo nhiều rủi ro

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn luật sư TP Hà Nội), đây là một phương thức rất mới mẻ ở Việt Nam nên chưa thể lường trước được những phát sinh và rủi ro khi tham gia giao dịch này.

Luật sư Tuấn cho rằng, thực hiện phương thức mua bán này thì rất có lợi cho chủ đầu tư dự án bởi họ sẽ được nhận đủ 100% tiền bán nhà, được quyền xử lý căn nhà thế chấp lại vừa có nguồn khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, phương thức "Home for home" cũng hàm chứa không ít rủi ro. Cụ thể, với phương thức mua nhà truyền thống hiện nay, khách hàng trả trước 30% hợp đồng mua nhà, nếu căn nhà giá 5 tỉ đồng thì chỉ vay 70% là 3,5 tỉ đồng và chỉ cần thế chấp bằng chính căn hộ mua. Nếu lãi suất 10% thì khách hàng trả lãi vay 29,1 triệu đồng/tháng (thế chấp 1 căn nhà).

Còn nếu thực hiện phương thức mới của chủ đầu tư, khách hàng vay đến 100% hợp đồng mua nhà (vay 5 tỉ đồng) và phải thế chấp bằng chính căn hộ mua và cả căn hộ cũ (thế chấp 2 căn nhà). Nếu lãi suất 10% thì mỗi tháng khách hàng phải trả lãi vay 41,6 triệu đồng.

“Do đó, chúng ta chưa thể lường trước được những phát sinh và rủi ro khi tham gia giao dịch này. Nhà là một tài sản lớn, vì vậy, chúng ta không thể tin tưởng hoàn toàn vào bức tranh mà chủ đầu tư đưa ra mà cần phải tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định tham gia để tránh các trường hợp tranh chấp, đảm bảo cho các giao dịch được thực hiện minh bạch, công khai” vị luật sư này khẳng định.

Căn cứ theo quy trình mua nhà không cần tiền mặt của Masterise Homes, luật sư Tuấn cho rằng, có 3 vấn đề chưa rõ ràng trong quy trình “Home for home” mà nhà đầu tư cần làm rõ để tránh thua thiệt.

Thứ nhất, theo điều kiện được chủ đầu tư đưa ra, nhà đầu tư phải đặt cọc vài chục triệu rồi mới được tư vấn mua nhà. Nếu không ưng thuận, khách hàng có phải trả lại tiền cọc không?

Thứ hai, với phương thức này, nhà đầu tư buộc phải bán nhà cũ cho chủ đầu tư hoặc ngân hàng. Vậy giá bán sẽ theo thỏa thuận hay qua tổ chức thẩm định giá? Nếu qua thẩm định thì nhà đầu tư sẽ phải chịu phí thẩm định cao, tính theo % giá trị bất động sản.

Thứ ba, trường hợp thời gian bàn giao nhà kéo dài nhiều năm, ngân hàng có tính lãi thời gian lãi quá hạn, siết nhà phát mãi do vi phạm thời hạn thanh toán hay không? Trường hợp chủ đầu tư không đủ điều kiện để thực hiện dự án đến cùng, ngân hàng có hoàn trả nhà cũ cho nhà đầu tư và tính lãi với số tiền mà ngân hàng đã chuyển cho nhà đầu tư hay không?

Đó là những vấn đề còn chưa rõ trong quy trình “nhà đổi nhà” hiện nay mà nếu không tìm hiểu kỹ thì chính khách hàng, nhà đầu tư sẽ phải chịu thiệt.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã cảnh báo khách hàng cân nhắc khi tham gia phương thức Home for home. Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư dự án đang triển khai phương thức “mua nhà mới gần như không cần vốn” này cần bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng.

Theo HoREA, ở phương thức mua bán này, khách hàng thường là bên bị thua thiệt khi thanh lý tài sản bảo đảm là căn nhà cũ, do các ngân hàng thường chỉ đánh giá tài sản thế chấp bằng khoảng 60% giá thị trường.

Theo Tạp chí Vietnam Traveller

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bong-dang-dai-gia-dung-sau-thuong-vu-home-for-home-nha-doi-nha-a557114.html