Lợi nhuận đồng loạt tăng từ nhóm quốc doanh đến tư nhân
Thống kê 25 ngân hàng thương mại cổ phần đã công bố báo cáo tài chính cho thấy, trong nửa đầu năm vừa qua, lợi nhuận trước thuế của tất cả các nhà băng trong danh sách này đều tăng trưởng dương, thậm chí ở một số nơi, tốc độ tăng trưởng còn ghi nhận đột biến. Tổng lợi nhuận trước thuế của cả 25 ngân hàng này đã tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vietcombank (VCB) tiếp tục là ngôi sao dẫn đầu với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 13 nghìn tỷ trong vòng 6 tháng, tương ứng tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, riêng trong quý 2, lợi nhuận VCB lại sụt giảm 15% so với cùng kỳ.
Trên thực tế, dù lãi thuần từ hoạt động dịch vụ trong quý 2 vừa qua giảm mạnh nhưng mảng thu nhập lãi thuần vẫn là hoạt động đóng góp tỷ trọng chính, mảng này tiếp tục tăng 37% và gánh vác chính lợi nhuận cho VCB.
Tuy nhiên do trong quý vừa qua, VCB đã tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 3.226 tỷ đồng (quý 2 năm ngoái là 1.850 tỷ đồng), đây là lý do khiến lợi nhuận trong riêng quý 2 sụt giảm.
Tương tự là Vietinbank (CTG) khi ông lớn vốn nhà nước này có một quý đột ngột ghi nhận lợi nhuận sụt giảm. Quý 2/2021, mặc dù thu nhập lãi thuần đạt trên 10.000 tỷ, tương ứng tăng gần 40%, CTG vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm tới 37%, đạt 2.790 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do nhà băng này bất ngờ ghi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 7.106 tỷ đồng, gấp tới 3 lần con số quý 2/2020. Dù vậy, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của CTG vẫn tăng trưởng 45,4%, đạt 10.850 tỷ đồng.
Cũng nằm trong nhóm SOBs, BID cũng đã tăng mức chi phí dự phòng rủi ro trong quý 2 vừa qua cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy trong quý này, các mảng hoạt động chính của BIDV đều có mức tăng trưởng mạnh, đặc biệt thu nhập lãi thuần tăng trưởng 83%, nhờ đó lợi nhuận trước thuế của BID trong quý 2 vẫn tăng trưởng dương, đưa lợi nhuận 6 tháng của BID tăng cao nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh với 86,4%.
Trỗi dậy là các nhà băng thuộc nhóm vừa và nhỏ với mức tăng trên 100%, nghĩa là gấp đôi so với lợi nhuận đạt được trong nửa đầu năm ngoái, cá biệt những ngân hàng có mức tăng rất mạnh lên đến 684% như Kiên Long Bank hay trên 400% gồm NVB và BVB.
Đây cũng là một kết quả dễ hiểu bởi nhóm này có lợi thế hơn so với các ngân hàng quốc doanh - nhóm chịu áp lực từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay và giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh.
Lợi nhuận sẽ tiếp tục được duy trì bền vững
Một phân tích mới đây của ACBS đánh giá, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được đợt dịch thứ 4.
Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng 2021 cao hơn nhiều so với kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước nhờ lãi suất cho vay đang ở mức thấp.
Trong khi đó, thị trường bất động sản nhà ở vẫn tích cực do nguồn cung dự án mới thấp khiến đây trở thành kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn dịch bệnh, nhờ đó niềm tin của các nhà đầu tư cải thiện và nhu cầu vay đầu tư tăng lên. Bất chấp nền kinh tế bị gián đoạn bởi 2 đợt dịch, đến 21/6/2021, tín dụng tăng trưởng 5,47%, cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái là 2,45%.
Do đó, các chuyên gia phân tích kỳ vọng nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục mạnh mẽ và tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là trong quý 4.
Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khi hoạt động dịch vụ, bảo hiểm vẫn còn nhiều dư địa.
Hệ thống ngân hàng đang chứng minh được khả năng quản trị rủi ro tín dụng qua giai đoạn khó khăn. Nền kinh tế tăng trưởng tốt, lãi suất ở mức thấp, thanh khoản dồi dào, tỷ giá ổn định, thị trường bất động sản nhìn chung phát triển lành mạnh nên “ít có khả năng phát sinh nợ xấu lớn đột biến và lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được duy trì bền vững trong những năm tới”, ACBS nhận định.
Nguyên Minh - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bat-chap-2-dot-gian-cach-loat-ngan-hang-van-bao-lai-dam-a557168.html