Theo báo VnExpress, công văn ngày 2/8 của Bộ Y tế gửi các địa phương nêu rõ "không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn".
Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 cộng đồng; đảm bảo đúng liều lượng và phương pháp.
Thời gian qua, một số địa phương áp dụng biện pháp phun hóa chất diệt khuẩn tại nơi công cộng để phòng chống dịch. Tại nhiều cơ quan đã lắp đặt buồng khử khuẩn để phun hóa chất diệt khuẩn cho người đứng trong buồng; một số đơn vị sử dụng máy phun hóa chất diệt khuẩn để phun vào người cách ly, nhập cảnh...
Tuy nhiên, bộ Y tế dẫn quan điểm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khẳng định những nơi như đường phố, vỉa hè, không phải là nơi chứa virus. Việc phun hóa chất diệt khuẩn ngoài trời không được WHO, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo, do kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh.
"Việc sử dụng số lượng lớn hóa chất diệt khuẩn để phun ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng chống dịch", công văn nêu.
Mặt khác, WHO và CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.
Theo báo Công lý, trước đó, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu 2020, đã có nhiều đợt phun hóa chất diện rộng được triển khai ngoài trời.
Cụ thể, cuối tháng 7/2021, lực lượng chức năng huy động 24 xe đặc chủng và chuyên dụng phun hóa chất tiêu độc, khử khuẩn toàn bộ quận, huyện tại TP HCM. Hóa chất phun xịt là Cloramin B pha với nước theo tỉ lệ 0,5%. Toàn bộ số hóa chất để phun khoảng 6 tấn.
Cách đây một tuần, 15 phương tiện cùng 180 cán bộ, chiến sĩ phun khử khuẩn tại 7, quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.
Hải Đăng (T/h)