Giãn cách xã hội, ý thức phòng chống dịch của người dân Hà Nội được nâng cao

Sau những ngày đầu triển khai giãn cách xã hội còn những điều bất cập đã được điều chỉnh, ý thức tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân Thủ đô cũng được nâng cao rõ rệt.

Những ngày đầu tiên triển khai Chỉ thị 17 của thành phố Hà Nội, nhiều người dân theo thói quen sáng sớm hoặc chiều tối đạp xe, chạy bộ, tập thể dục tại nơi công cộng... Trước thực trạng này, lực lượng chức năng các quận, huyện, thị xã đã tăng cường kiểm tra, xử phạt nhằm hạn chế người dân ra đường khi không cần thiết.

Đại úy Đinh Tuấn Linh, Trưởng Công an phường Phúc Lợi, quận Long Biên cho biết, để đảm bảo công tác phòng chống dịch trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách, công an phường cùng với lực lượng chức năng khác thành lập các chốt trên địa bàn để kiểm soát phương tiện và người ra vào phường. Ngoài việc kiểm tra giấy tờ, lực lượng chức năng tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định của thành phố trong giãn cách.

“Thời gian đầu người dân vẫn có việc ra đường nhiều hơn so với bây giờ. Tuy nhiên, qua một thời gian chúng tôi thành lập 5 tổ công tác, trong đó 3 Tổ công tác của Ủy ban nhân dân phường và 2 tổ công tác của công an phưởng tuần tra, xử lý trên toàn bộ địa bàn. Qua hình thức xử lý đến nay để người dân cũng đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về phòng, chống dịch. Biểu hiện rõ rệt về việc xử phạt trong thời gian gần đây đã giảm xuống, điều này có nghĩa là người dân đã chấp hành hơn. Trong thời gian tới đây thì công an phường chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các tổ tuần tra, kiểm soát trên địa bàn. Chúng tôi sẽ cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm”, Đại úy Đinh Tuấn Linh chia sẻ.

Tại các quận, huyện, việc tổ chức các chốt kiểm soát, bổ sung lực lượng dân phòng, thanh niên, dân quân, tình nguyện tại các chốt cơ động được thực hiện bài bản và nhận được sự hưởng ứng của người dân. Ông Nguyễn Văn Sơn, ở quận Long Biên và chị Nguyễn Thị Hương, ở quận Cầu Giấy cho biết, chứng kiến sự vất vả của lực lượng chức năng làm việc suốt ngày đêm tại các chốt, hầu hết mọi người đã chấp hành các điều tiết, kiểm tra của lực lượng chức năng.

“Việc kiểm tra này rất nên làm và nhà nước lo cho mọi người nên tôi nghĩ ai cũng phải tuân thủ để chúng ta sớm khống chế được dịch, vì sức khỏe mọi người”, ông Sơn chia sẻ.

Bên cạnh việc lập các chốt kiểm soát, các phường trên địa bàn thành phố tiến hành phát “thẻ đi chợ” cho người dân để tránh việc tập trung đông người, đảm bảo giãn cách. Ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết, việc cấp thẻ đi chợ cho người dân còn giúp lực lượng chức năng dễ truy vết, nếu có ca mắc Covid-19 xảy ra trên địa bàn.

“Hiện tại trên địa bàn phường Khương Trung có 3 chốt tất cả. Trong đó có hai chốt cố định và một chốt lưu động. Chúng tôi đã bổ sung hai chốt lưu động để đi tuần tra toàn địa bàn phường, còn hai chốt cố định để thường xuyên kiểm tra giám sát việc chấp hành người dân trong quyết định giãn cách xã hội. Bây giờ các phiếu đi chợ đã được phát cho người dân. Chúng tôi đã kiểm soát rất chặt điều này, ai có phiếu mới được ra vào chợ”, ông Đặng Minh Tuấn thông tin.

Trong hơn 10 ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã xử phạt hành chính số tiền hơn 8 tỷ đồng các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với lý do: Không thực hiện biện pháp cách ly; Tập trung đông người nơi công cộng; Ra khỏi nhà khi không cần thiết; Đeo khẩu trang không đúng quy cách...

Công an thành phố Hà Nội cho biết, so với những ngày trước đó, các trường hợp vi phạm đến nay đã giảm hơn một nửa. Người dân đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Tại các tuyến đường, lượng phương tiện giảm hẳn.

Tại các chốt cửa ngõ vào Thủ đô, lực lượng chức năng phân luồng đối với các xe có luồng xanh, các tài xế cũng đã nắm được các quy định nên không còn xảy ra tình trạng ùn tắc. Tuy nhiên, có nơi, có chỗ, việc thực hiện giãn cách chưa thực sự triệt để. Nhiều trường hợp chưa nâng cao ý thức tự giác, ra ngoài không có lý do. Cá biệt có trường hợp chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng khi làm việc.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Sau khi thực hiện chỉ đạo của thành phố các quận, huyện đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch rất quyết liệt. Do vậy, đã tăng cường các chốt và đặc biệt là bố trí các chốt ở các tuyến đường đi xuyên qua các quận, những tuyến đường lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số tồn tại. Ví dụ như lực lượng cắm chốt quá đông cũng là cái mà không đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Thứ hai là một số chốt chặn, kiểm tra, tuyên truyền. Mặc dù là kiểm tra tuyên truyền nhưng tạo thành ùn tắc. Tuy ùn tắc không lớn nhưng vẫn tạo thành đám đông. Do vậy cũng là vi phạm phòng, chống dịch. Chúng tôi cũng đã kịp thời chấn chỉnh và thay đổi cách thức làm cái này để phòng ngừa xảy ra dịch”

Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng: Giãn cách xã hội là thời cơ vàng để dập dịch. Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải xuống cơ sở, tới tổ dân phố, khu dân cư…. nhằm liên tục kiểm soát, đánh giá lại các khu vực nguy cơ cao; đặc biệt chú ý những khu vực đông dân, ngõ hẹp, lực lượng làm dịch vụ và tham gia các chuỗi cung ứng. Đồng thời kiểm soát mạnh mẽ hơn số người làm việc ở các cơ quan trên địa bàn Thủ đô. Đơn vị, cơ quan nào vi phạm về giãn cách xã hội, kể cả cơ quan, đơn vị, tập đoàn khối trung ương đều phải xử lý nghiêm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 thành phố đã thành lập ngay 3 tổ công tác hoạt động từ ngày 3/8, có đường dây nóng, ứng trực 24/24h, do lãnh đạo thành phố phụ trách.

Việt Cường - VOV1

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gian-cach-xa-hoi-y-thuc-phong-chong-dich-cua-nguoi-dan-ha-noi-duoc-nang-cao-a557413.html