Ngay khi phát hiện triệu chứng, người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu trong sáng 4/8.
Các bác sĩ lập tức kích hoạt quy trình báo động đột quỵ "Code Stroke" và hội chẩn khẩn ngay tại khoa Cấp cứu. Trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, các bác sĩ khẩn trương đẩy nhanh xét nghiệm SARS-CoV-2, toàn bộ ê-kíp sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân, tận dụng thời gian vàng cấp cứu cho người bệnh.
Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa phía bên trái đoạn gốc.
Thiếu tá, bác sĩ Tạ Vương Khoa cùng ê-kíp điều trị bắc cầu tiêu sợi huyết và can thiệp mạch để lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Trong quá trình chụp mạch não, ê-kíp phát hiện thêm tổn thương huyết khối gây tắc hoàn toàn đoạn gốc trên nền hẹp xơ vữa nặng. Các bác sĩ nhanh chóng lấy huyết khối bằng Stent và nong bóng đoạn gốc động mạch não giữa bên trái. Sau khi can thiệp tái thông thành công, bệnh nhân tỉnh, nửa người bên phải bị liệt đã được cải thiện. Hiện, bệnh nhân hồi phục tốt.
Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch giữa một bên. Nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí phù não và chết hoàn toàn bán cầu não. May mắn bệnh nhân được cấp cứu trong giờ thứ 2 sau đột quỵ. Đây được xem là thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.
Hiện nay, trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều trường hợp có dấu hiệu đột quỵ nhưng không xử lý kịp thời dẫn tới trở nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. "Khi phát hiện đột quỵ cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất đển tận dụng giờ vàng trong cứu chữa đột quỵ", bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.
Người bị đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt khi triệu chứng xảy ra ở một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... Lúc này cần chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ. Cấp cứu trong "thời gian vàng" 3-4,5 giờ từ khi khởi phát triệu chứng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng cơ hội hồi phục.
Minh Hoa (t/h theo Zing, VnExpress) - Người Đưa Tin Pháp Luật