Cách làm cầu toàn tạo ra "giấy phép con" không cần thiết
Để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.Hà Nội, trong tối 8/8, UBND TP.Hà Nội đã hỏa tốc ra quy định mới về việc siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, ngoài mẫu giấy đã được thành phố ban hành trước đó, người đi đường sẽ phải xuất trình kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, mẫu giấy đi đường phải được UBND phường, xã trên địa bàn xác nhận, thay vì chỉ đại diện cơ quan, đơn vị có cán bộ, người lao động... xác nhận như trước.
Ngay trong sáng ngày 9/8, nhiều trường hợp bị nhắc nhở vì không cung cấp đủ giấy tờ trong ngày đầu Hà Nội thực hiện lệnh siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo văn bản số 2562/UBND-KT của Chủ tịch UBND thành phố.
Trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) chỉ ra: “Các nội dung gây khó khăn cho cả người dân và cơ quan hành chính cấp dưới thực hiện tại các công văn của UBND TP.Hà Nội gồm có: Mẫu giấy đi đường, các giấy tờ kèm theo giấy đi đường như lịch trực, phân công công việc, việc buộc phải có xác nhận của UBND cấp phường nơi có trụ sở.
Giấy đi đường hợp lệ theo quy định mới này có cần thiết hay không, khi chúng ta có Chỉ thị 16, có danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà người dân, doanh nghiệp tổ chức được phép đi lại lưu thông. Cơ quan chức năng chỉ cần căn cứ vào những văn bản hiện có của Chính phủ, Bộ để kiểm soát việc đi lại là phù hợp, đảm bảo hiệu quả.
Tôi cho rằng chính cách làm quá cầu toàn, chặt chẽ trên mức cần thiết khiến cho loại giấy tờ này ra đời. Chỉ cần áp dụng các quy định hiện có, nâng cao năng lực đội ngũ trực chốt, kết hợp vận động tuyên truyền, lo cho người dân đủ cái ăn cái mặc là sẽ đạt hiệu quả giãn cách cao nhất”.
Bên cạnh đó, vị luật sư cũng cho rằng: “Khi ban hành một quy định hành chính không khách quan, không khoa học, sẽ dẫn đến trên thực tế triển khai bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Thay bằng việc xem xét lại sự cần thiết của giấy đi đường thì cơ quan chức năng lại tiếp tục ban hành thêm yêu cầu về lịch trực, lịch phân công. Có giấy đi lại thì đã đủ cơ sở chứng minh công vụ, chứng minh đủ điều kiện đi lại thì việc gì phải có lịch trực, phân công công việc nữa. Các yếu tố kèm theo giấy đi đường này không làm tăng thêm khả năng kiểm soát.
Tiếp theo nữa, UBND phường chỉ là đơn vị quản lý hành chính dân cư. Cơ quan này không có đủ chuyên môn, dữ liệu thông tin, đủ con người để chỉ sau một đêm tỉnh dậy có thể làm được việc đó. Đây là một quy định hành chính không đảm bảo tính khả thi”.
Sau khi phân tích sự “lợi bất cập hại” trong việc áp dụng quy định mới về giấy đi đường, luật sư Quách Thành Lực cũng đề xuất: “Với tinh thần đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch, tôi kính đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh thủ tục giấy đi đường. Thay vào đó với nhóm đối tượng được đi ra ngoài thì căn cứ vào giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được phép tham gia giao thông như: Thẻ luật sư, thẻ cán bộ công chức, thẻ công chứng viên, quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động…để chứng minh đủ điều kiện tham gia giao thông trong bối cảnh giãn cách hiện nay.
Hiện nay, việc tuyên truyền của chúng ta khá tốt, người dân chấp hành tương đối đầy đủ. Dù đây đó có một vài cá nhân tổ chức lạm dụng việc ra đường, nhưng đó là thiểu số và đã bị xử lý. Cái cốt yếu là lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, không buộc phải ra đường.
Chủ trương giãn cách toàn xã hội rất đúng đắn và cần thiết, không nên chỉ vì vài trường hợp đơn lẻ vi phạm mà phải ban hành những quy định hành chính thiếu căn cứ pháp lý, thiếu khoa học. Việc làm này thậm chí còn có thể ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng chống dịch”.
Đề nghị Hà Nội xem xét lại văn bản
Cũng đưa quan điểm về vấn đề này, luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc công ty Luật Inteco, đoàn Luật sư TP.Hà Nội)" cho rằng: "Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất hiện nay trong việc giãn cách xã hội, và được toàn dân tích cực hưởng ứng, đồng tình".
Vị luật sư nêu thực tế thời gian qua, nhờ làm tốt giãn cách xã hội mà Việt Nam đã rất thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh. Với lần bùng phát mới này tại Hà Nội, sự nguy hiểm tăng cao hơn nhiều vì biến chủng Delta rất khác với các biến thể virus trước đó, nên chính quyền các cấp đã có những động thái quyết liệt trong việc giãn cách và hạn chế người dân ra đường.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về mục tiêu kép, tức là vừa đảm bảo giãn cách chống dịch, vừa đảm bảo duy trì các hoạt động kinh tế. Muốn vậy, chúng ta cần phải đảm bảo điều kiện để doanh nghiệp có thể hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất.
"Mới đây, UBND TP.Hà Nội có văn bản siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường thời gian giãn cách xã hội và cập rập triển khai xuống các địa phương, gây ra những xáo trộn trong hoạt động của doanh nghiệp. Có hiện tượng mỗi phường áp dụng một kiểu, tự ý đặt thêm các thủ tục, điều kiện bổ sung buộc doanh nghiệp phải đáp ứng. Chẳng hạn, có phường yêu cầu doanh nghiệp phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh đã có xác nhận của cơ quan y tế hoặc của UBND phường; có nơi lại yêu cầu doanh nghiệp phải có kế hoạch phòng chống dịch bệnh có xác nhận của ban quản lý tòa nhà ...
Cá biệt, có phường yêu cầu doanh nghiệp sản xuất dừng hoạt động trong thời gian chờ phê duyệt phương án sản xuất 3 tại chỗ ....
Điều đáng bàn, là việc buộc doanh nghiệp phải có giấy đi đường được UBND phường xác nhận tạo nên hiện tượng tụ tập đông người trước cửa UBND phường, gây quá tải và lúng túng cho các phường, nên mặc dù doanh nghiệp đã nộp hồ sơ nhưng không có hẹn ngày trả kết quả vì phường không đủ thời gian và năng lực để xác minh.
Tôi cho rằng, UBND TP.Hà Nội nên xem xét lại văn bản mới ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn", luật sư Hà Huy Phong nói.
Càng xét nhiều giấy tờ, nguy cơ gặp F0 càng cao
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho rằng đã xảy ra ùn ứ tại các chốt và nguy hiểm hơn nếu người giữ chốt là F0.
Trên trang cá nhân của mình, vị Giám đốc chia sẻ về thực tế: “Bệnh viện tôi có bạn đi làm đã có giấy của bệnh viện ban hành, về làng yêu cầu phải có giấy hồng theo quy định của làng, hai ngày sau khi gặp người giữ chốt và xuất trình giấy thì biết được người đó là F0, nhân viên bệnh viện phải đi xét nghiệm, may mắn kết quả đến nay là âm tính”, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng khuyến cáo trong tình huống này, người dân tuân thủ các loại giấy tờ và đứng xa người giữ chốt 2m, không cho người giữ chốt sờ vào giấy tờ của mình: “Tại sao phải có chốt? Vì người dân không tự giác thực hiện! Tại sao phải thêm nhiều giấy tờ để đối chiếu tại chốt? Vì có người gian lận! Hiện nay đã xuất hiện một số trường hợp ngay tại chốt kiểm tra ùn ứ, và nguy hiểm hơn người giữ chốt lại là F0.
Vậy người dân thông minh - tự giác tuân thủ, bằng các thông tin hướng dẫn ta tuân thủ tốt sẵn sàng các giấy tờ, đứng xa người giữ chốt 2m, không để người giữ chốt sờ vào giấy tờ của mình - người đó có thể là F0. Người giữ chốt hiểu biết - việc đứng sát và sờ vào giấy tờ của người dân có thể lây nhiễm cho họ và lây nhiễm cho mình, không sờ vào hiện vật của người dân”.
Nhưng trong tình huống ùn ứ tại các điểm trực chốt thì lấy đâu ra chỗ để “đứng cách 2m”?
Tuệ Linh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khi-giay-di-duong-nhieu-thu-tuc-tro-thanh-nguy-co-tiep-xuc-gan-f0-a557609.html