Đồng thời, Phòng An ninh chính trị nội bộ và Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hồ Chí Minh) cũng đã làm việc với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và làm rõ thông tin nhóm “bác sĩ” này thêu dệt những câu chuyện cảm động để quyên góp tiền từ thiện vào “nhóm 82”.
Theo thông tin tìm hiểu, nhóm 82 có một số người là “Tiến sĩ, Giáo sư, Bác sĩ” ở Singapore, trong đó nhiều người bị ung thư, người thân bị ung thư và “đáng quý” khi tất cả mọi người trong nhóm này, dù bệnh nặng nhưng đều làm thiện nguyện! Họ thường đăng những câu chuyện cảm động và cuối cùng kêu gọi ủng hộ từ thiện, tiền được chuyển về chủ tài khoản N.T.M.T (Facebooker Thy Nguyen, quê Bến Tre) là kế toán của nhóm. Nhân vật này không thể “ảo” được vì là người cung cấp số tài khoản cá nhân để nhận từ thiện. Đến chiều 10/8, các trang facebook cá nhân của nhóm này đã biến mất.
Ảnh chụp màn hình status thông tin “bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để nhường oxy cho sản phụ" |
Trao đổi với PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, khi cơ quan chức năng điều tra nhóm đối tượng trên, nếu xác định họ cố tình tạo ra các hoàn cảnh không có thật, từ đó tìm kiếm sự thương cảm của người khác để nhận tiền ủng hộ thông qua tài khoản ngân hàng mà họ cung cấp, sẽ bị xem xét xử lý cả về phạt vi phạm hành chính và hình sự.
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định người nào có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá 500 triệu đồng trở lên; hoặc chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng đã từng bị xử phạt vi phạm về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm... bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Tại Khoản 5 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 còn quy định người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ngoài ra, hành vi cung cấp, chia sẻ những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng, được quy định tại điểm a, khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi ai thực sự là tác giả “vở kịch thương tâm” nói trên và nhằm mục đích gì khi thực tế hiện nay nhiều chương trình từ thiện được một số nhóm và cá nhân đứng ra tổ chức, có chiến lược truyền thông bài bản, thậm chí chạy quảng cáo các bài xin tiền trên mạng xã hội.
Luật sư Kỹ cũng cho rằng, bản thân chúng ta nếu không tự kiểm chứng được thì có thể kiểm tra chéo, nhờ bạn bè, báo chí hoặc các tổ chức có liên quan như cơ sở y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thiện nguyện có uy tín. Việc này vừa tránh lòng tốt bị lợi dụng cũng như không bỏ lỡ cơ hội giúp các hoàn cảnh cần được ủng hộ nhưng lại không được ủng hộ.
Trong bối cảnh hiện nay, việc luôn đề cao cảnh giác trước các thông tin có thể giả, có thể sai sự thật là rất cần thiết đối với mỗi tài khoản mạng xã hội.
Hãy tỉnh táo khi đối diện với biển thông tin rộng lớn trên mạng Intener. Nếu cảm thấy có chút gì nghi ngờ, hãy chủ động báo với cơ quan chức năng, hoặc chí ít cũng tuyệt đối không chia sẻ, tương tác một cách “hồn nhiên”, tránh ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà cả nước đang nỗ lực chiến đấu./.
Anh Tuấn - báo Đảng cộng sản
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dung-chuyen-de-quyen-tien-tu-thien-co-the-bi-tu-chung-than-a557737.html