Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
Bổ sung quy định về tiền lương tháng đóng BHXH để tính hưởng lương hưu
Khoản 19 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung khoản 3a sau Khoản 3 Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần mà có thời gian đóng BHXH trước ngày 1/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH của thời gian này được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Riêng đối với người lao động có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng BHXH trước ngày 1/10/2004 nêu trên được chuyển đổi theo tiền lương quy định tại Nghị định 205/2004/NĐ-CP.
Ngoài ra, Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH đã bổ sung quy định về trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Cụ thể, khoản 23 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH bổ sung cuối Khoản 1 Điều 25 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
Thời điểm xem xét tuổi đối với thân nhân của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 67 Luật BHXH là kết thúc ngày cuối cùng của tháng người lao động chết.
Khi giải quyết chế độ tử tuất nếu hồ sơ của thân nhân người lao động không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 1/1 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở giải quyết chế độ tử tuất.
Việc xác định mức thu nhập của thân nhân người lao động để làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Luật BHXH được xác định tại tháng người lao động chết.
Thân nhân đã được giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo đúng quy định mà sau đó có thu nhập cao hơn mức lương cơ sở thì vẫn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc
Các khoản thu nhập tính đóng bắt buộc được hướng dẫn theo Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH (khoản 26 Điều 1). Theo đó, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.
Thứ nhất, mức lương theo công việc hoặc chức danh.
Ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động.
Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
Thứ hai, phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên.
Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
Không bao gồm các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Thứ ba, các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau.
Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Không bao gồm các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
H.H - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/huong-dan-moi-ve-tien-luong-dong-bhxh-de-tinh-luong-huu-tro-cap-1-lan-a557761.html