Tiêu cực lợi dụng xe “luồng xanh” đang phá hỏng thành quả chống dịch

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cho rằng, cần xử lý nghiêm đối tượng sử dụng xe “luồng xanh” để thực hiện những việc không trong sáng, nếu cấp phép “luồng xanh” không đúng đối tượng, tạo kẽ hở tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi, thì cũng phải bị xử lý.

Xử lý thỏa đáng để răn đe

Những ngày qua, liên tiếp phát hiện những trường hợp phương tiện có giấy nhận diện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận chuyển hàng ra vào vùng dịch, thậm chí, đưa người trái phép từ vùng dịch về.

Chưa hết, có trường hợp còn gắn mác từ thiện giả, phía trước xe dán nội dung “Bếp Cơm Thiện Nguyện Mãn Tự VeGan, xe hỗ trợ phòng, chống dịch”, hòng qua mặt lực lượng chức năng để trục lợi, đưa người dân về quê trái phép với giá “cắt cổ”. 

xe-vi-pham-1628870913.jpg
Nhiêu tiêu cực từ việc lợi dụng xe “luồng xanh”.

Trước những vụ việc nhức nhối trên, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Thừa Thiên - Huế) bày tỏ: “Những vấn đề này cũng đang gây nên bức xúc của dư luận xã hội, mà đặc biệt là những nạn nhân của xe lợi dụng “luồng xanh” vi phạm pháp luật...

Trong lúc cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và làm rất tốt công tác chống dịch Covid-19, lại có những “con sâu”, “con mọt” làm mờ đi hình ảnh tổng thể vốn phải được trân trọng. Đó là những hành vi làm thiệt hại đến kinh tế, an ninh và an toàn sức khỏe, sinh mạng của mọi người dân trong xã hội”. 

dbqh-nguyen-thi-suu-1-1628870913.jpg
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Sửu cho rằng, trong lúc cả hệ thống chính trị đang vào cuộc và làm rất tốt, lại có những “con sâu”, “con mọt” làm mờ đi những hình ảnh tổng thể vốn phải được trân trọng.

“Những hình ảnh như vậy không chỉ đáng lên án, mà còn phải tìm rõ nguyên nhân, xác định đối tượng, phân tích vùng vi phạm, làm rõ hành vi phạm pháp này từ đâu, do ai? Đối với những đối tượng sử dụng xe “luồng xanh” để thực hiện những việc không trong sáng, phải xem xét trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, thậm chí, nếu được cấp phép “luồng xanh” không đúng đối tượng, tạo kẽ hở tiếp tay cho kẻ xấu trục lợi, thì cũng phải bị xử lý thật nghiêm. 

Vậy, không chỉ đánh giá đạo đức xã hội bị phân hóa, xuống cấp ở những chủ xe, lái xe được cấp thẻ “luồng xanh”, mà còn phải xem xét ở những bộ phận cấp phép chưa đúng đối tượng để xử lý thỏa đáng và kịp thời ngăn chặn, thậm chí đánh giá, khoanh vùng và dự báo những đối tượng sẽ thực hiện những tiêu cực tương tự”, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh. 

Cần truy cứu trách nhiệm hình sự

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) cho rằng: “Hiện tại, cả nước đang gồng mình lên để chống dịch, việc các nhà xe lợi dụng được “cấp phép đi vào “luồng xanh” để vận chuyển người trái phép trốn tránh kiểm soát dịch thể hiện việc thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng dịch, mà có nguy cơ gây lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Những hành động đó đang ngầm phá hỏng thành quả chống dịch trong những ngày qua.

Thiết nghĩ, cơ quản lý dịch vụ kinh doanh vận chuyển ở các địa phương cần phải rà soát, siết chặt quản lý, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tuyên truyền răn đe các chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp vận tải đảm bảo việc phòng, chống dịch có hiệu quả”. 

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật về các hình thức xử lý vi phạm, luật sư Nguyễn Cao Đạt cũng phân tích: “Hiện nay, có một số nhà xe lợi dụng xe được cấp mã QR phục vụ chở hàng thuộc danh mục thiết yếu đi vào “luồng xanh” để vận chuyển người trái phép vượt trạm kiểm soát, nhằm trốn các chốt kiểm soát. Việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ra nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Theo Điều 8, luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm... đặc biệt là hành vi: “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. 

1192106666556651720199197202354663656691668o1-1628871078.jpg
Luật sư Nguyễn Cao Đạt chỉ ra trách nhiệm của những kẻ đang ngầm phá hỏng thành quả chống dịch trong những ngày qua.

Các nhà xe ngoài việc vi phạm những quy định về quản lý giao thông đường bộ vì vi phạm quy định vận chuyển hàng thiết yếu trong trời gian thực hiện giãn cách xã hội, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò là đồng phạm về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” trong trường hợp những người được vận chuyển có người nhiễm bệnh làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng được quy định tại Điều 240, Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 và hướng dẫn tại Công văn số 45/HĐTP ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19:

“Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”, bao gồm:

a) Trốn khỏi nơi cách ly.

b) Không tuân thủ quy định về cách ly.

c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly.

d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối”.

 

Tuệ Linh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tieu-cuc-loi-dung-xe-luong-xanh-dang-pha-hong-thanh-qua-chong-dich-a557788.html