Mới đây, dân mạng chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một thanh niên không đeo khẩu trang đang xô xát với nam bảo vệ cửa hàng tiện lợi. Theo người chia sẻ đoạn clip thì sự việc xảy ra tại quận Phú Nhuận, TP.HCM. Theo tài khoản đăng tải bài viết thì thanh niên được cho là vào cửa hàng tiện lợi mua đồ nhưng không đeo khẩu trang. Đáng nói, khi được nhắc nhở thì người này lập tức phản ứng, xích mích với bảo vệ.
Trao đổi với Người Đưa Tin, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, mặc dù chưa rõ nguyên nhân chính xác dẫn đến hành động xô xát của thanh niên với bảo vệ, tuy nhiên việc người thanh niên không đeo khẩu trang ở nơi công cộng tại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp là hành vi rất đáng bị chỉ trích, lên án.
Theo lý giải của Luật sư Kiên, gần 2 tháng nay, Tp. Hồ Chí Minh đang căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Số ca nhiễm ngày một tăng nhanh, khu phong tỏa ngày càng nhiều và xuất hiện ở khắp mọi nơi trong thành phố. Hệ thống y tế đang phải đối mặt với một áp lực vô cùng lớn, lực lượng y tế ngày đêm làm việc để truy vết dịch tễ các ca nhiễm. Trong bối cảnh đó, những hành vi đi ngược lại với văn hóa ứng xử, đạo đức, thậm chí là vi phạm công tác phòng chống dịch, vi phạm pháp luật là điều khiến không thể chấp nhận được.
Chiếu theo quy định pháp luật, thì người không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách theo quy định khi tiếp xúc, ra ngoài khi không cần thiết có thể bị phạt tiền tối đa 3 triệu đồng.
Theo thông tin đăng tải trên clip có thể thấy, tại thời điểm xảy ra xô xát, nam thanh niên và người bảo vệ đều không đeo khẩu trang. Luật sư Kiên cho rằng: “Nếu trong quá trình xô xát, người bảo vệ bị rơi khẩu trang thì không bị xử lý. Nhưng ngay từ đầu cả người bảo vệ và nam thanh niên trên đều không đeo khẩu trang thì sẽ cùng bị xử phạt hành chính về hành vi này”.
Tiếp đến, nếu chứng minh được nam thanh niên có lỗi cố ý trong việc gây thương tích cho bảo vệ, tùy từng tính chất, mức độ, hậu quả thì người có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm e, khoản 3, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình).
Nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích hình sự tội cố ý gây thương tích, theo Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017, quy đinh cụ thể như sau: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Trước việc có nhiều sự việc người dân có hành vi xúc phạm, thậm chí là hành hung bảo vệ, lực lượng chức năng khi bị nhắc nhở tuân thủ yêu cầu về phòng chống dịch, PGS,TS. Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, thói quen sinh hoạt xưa nay của người dân, họ được tự do đi lại thoải mái, nhưng thời gian này phải thực hiện nghiêm quy định về giãn cách của Chính phủ khiến một số người chưa thích nghi được, họ cảm thấy bí bách, bức xúc. Có một số người nhận thức không đúng khi cho rằng quyền đi lại, quyền tự do, quyền được sống một cuộc sống bình thường là điều đương nhiên, không ai có quyền can thiệp vào cuộc sống của họ.
"Ngoài ra là việc thiếu ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng hay có thể nói là vô trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, họ thích gì thì làm mà không quan tâm tới hậu quả. Nguyên nhân cuối cùng là xuất phát từ việc thiếu tôn trọng luật pháp của một số cá nhân. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn tới việc chống dịch của chúng ta hiện nay, là mầm mống lây lan dịch bệnh", PGS.TS Nguyễn Tố Quyên nhìn nhận.
Bên cạnh đó, PGS,TS. Nguyễn Thị Tố Quyên cũng đề cao vai trò của hệ thống phương tiện truyền thông cùng tham gia chống dịch bằng cách hướng dẫn người dân một cách cụ thể, tỉ mỉ, đầy đủ; khi họ ra đường phải có cái gì, phải làm gì. Trong trường hợp cần thiết phải công khai một số trường hợp vi phạm lên các phương tiện truyền thông để làm bài học răn đe, cảnh giác cho người dân.
"Cần tiếp tục tập huấn, phổ biến quy định về phòng chống dịch trực tiếp tới tổ dân phố, cụm dân cư. Lưu ý là các điểm chốt chặn, kiểm soát dịch đều phải dựa trên quy chuẩn như nhau và thực hiện nghiêm như nhau; người và hàng hóa khi lưu thông qua các chốt kiểm soát đáp ứng được đủ điều kiện thì được qua, không đúng thì không được đi và không có trường hợp ngoại lệ", PGS,TS. Nguyễn Thị Tố Quyên kiến nghị.
Nguyễn Thị Thúy - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tan-cong-chui-boi-khi-bi-nhac-nho-vi-pham-phong-chong-dich-vi-dau-den-noi-a557995.html