Phong liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong vì chống dịch: Xứng đáng được ghi nhận

“Tuyến đầu chống dịch vô cùng vất vả và nguy hiểm. Nếu họ hy sinh vì đất nước, vì nhân dân thì phải được tôn vinh giống như bộ đội ngày xưa ra chiến trường”.

Hy vọng sự bù đắp xứng đáng!

Công đoàn Y tế Việt Nam vừa đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất với Chính phủ, Nhà nước sớm ban hành chế độ chính sách phong tặng liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Đề xuất này đang nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, trong đó, nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ.

Người Đưa Tin đã trao đổi với một số ĐBQH để ghi nhận quan điểm xung quanh vấn đề này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – Nguyễn Hoàng Mai cho biết: “Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và ngày 1/7/2021 chính thức có hiệu lực thi hành. Tại Pháp lệnh này, có phần điều chỉnh lại điều kiện, tiêu chuẩn để công nhận các đối tượng ưu đãi, người có công với cách mạng, phù hợp với tình hình mới. Trong đó, các trường hợp công nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh thì đều có quy định điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn ở trong tình hình mới.

Tiêu điểm - Phong liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong vì chống dịch: Xứng đáng được ghi nhận

ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai bày tỏ quan điểm trước những cống hiến của đội ngũ cán bộ y tế.

Liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch, nếu vận dụng trong Pháp lệnh thì sẽ đối chiếu vào quy định “đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của đất nước, của nhân dân” hoặc “ngăn chặn, bắt giữ người phạm tội”. Ngoài ra, phải thêm yếu tố nữa là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan toả rộng rãi trong xã hội”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phân tích: “Như vậy, Pháp lệnh đã “giải ra một bài toán”, nếu như trước đây ghi “dũng cảm” thì không biết thế nào là dũng cảm, nhưng hiện nay bổ sung phần “đặc biệt dũng cảm” có nêu quy định rõ hơn.

Chẳng hạn, trong công tác chống dịch, nếu đảm bảo yếu tố “đặc biệt dũng cảm”, tức là phải có hành động khác những người khác trong một bối cảnh cụ thể. Ví dụ, một bác sĩ, bình thường đã được trang bị tất cả đồ bảo hộ và làm những công việc giống như các bác sĩ khác, nếu chẳng may nhiễm vi-rut thì đó thuộc diện rủi ro nghề nghiệp, trường hợp này có các chế độ được hưởng tương ứng.

Thế nhưng, cũng là một bác sĩ, trong bối cảnh ở thời điểm thiếu trang bị, phương tiện kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, thiếu bảo hộ… mà bác sĩ vẫn “làm”, vẫn dốc tâm cứu người bệnh thì những trường hợp đó là khác biệt, thuộc trường hợp đặc biệt dũng cảm”.

“Danh hiệu liệt sĩ rất cao quý, được cả Nhà nước và xã hội tôn vinh. Vì vậy, việc phong danh hiệu phải xét ở những hành động xảy ra cụ thể trong hoàn cảnh cụ thể, để thực hiện các chế độ cho bản thân liệt sĩ và cho gia đình họ”, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai nhìn nhận.

Ngoài những quy định như đã phân tích ở trên, ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai cũng chia sẻ thêm quan điểm của mình: “Cá nhân tôi và dư luận đánh giá rất cao những nỗ lực, hy sinh của đội ngũ cán bộ ngành y nói riêng và lực lượng tuyến đầu chống dịch nói chung. Những chế độ, chính sách của chúng ta đã có nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được hết so với cống hiến của ngành y trong công tác chống dịch.

Những chế độ, chính sách phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội và sự phát triển của Đất nước. Nhà nước cũng đã cố gắng tối đa để bù đắp lại sự nỗ lực, cống hiến của cán bộ ngành y trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt lực lượng tuyến đầu vô cùng vất vả. Họ xứng đáng được biểu dương trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, khi chưa có quy định mới thì trước mắt, chúng ta sẽ thực hiện đúng tinh thần quy định của Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng vừa mới có hiệu lực thi hành. Và sau đó thì Chính phủ sẽ có Nghị định để hướng dẫn chi tiết các trường hợp cụ thể “đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản”. Tôi hy vọng rằng những nỗ lực, cống hiến của lực lượng tuyến đầu chống dịch sẽ được bù đắp xứng đáng”.

“Phải được tôn vinh như bộ đội ra chiến trường”

Trong khi đó, bày tỏ quan điểm của mình, ĐBQH - Giáo sư Y khoa, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí cho rằng: “Tôi rất đồng tình về đề xuất phong tặng liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19".

Tiêu điểm - Phong liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong vì chống dịch: Xứng đáng được ghi nhận (Hình 2).

Giáo sư, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí đồng tình về đề xuất phong tặng liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19.

Cũng theo Giáo sư, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí: "Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, không chỉ mỗi lực lượng Y tế mà tất cả những người thực sự có hy sinh, đóng góp khi đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid thì đều xứng đáng được tôn vinh. Ví dụ như Công an, bộ đội, dân phòng, thanh tra giao thông, nhà báo, những người làm công tác thiện nguyện… nếu họ có đóng góp, nỗ lực hết mình cho công tác phòng, chống dịch, vì cộng đồng, vì nhân dân thì đều phải có những chính sách ưu tiên thỏa đáng. Những người trong các lực lượng này nếu không may bị tử vong trong quá trình chống dịch Covid-19 thì đều phải được phong là liệt sĩ”.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Trước đây, việc phong tặng liệt sĩ là phong tặng cho những người xông pha trong bom đạn chiến tranh, hy sinh tính mạng để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thời bình lặp lại, chủ yếu phong tặng liệt sĩ cho cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ được giao, đấu tranh với tội phạm, vì bình yên của Đất nước, của nhân dân.

Cho đến bây giờ, khi đại dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng, các lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng đối đầu với nguy cơ lây nhiễm rất cao, hết sức nguy hiểm, họ cũng xông pha vào tâm dịch để làm nhiệm vụ… đều vì bình yên của đất nước, vì hạnh phúc nhân dân - chống dịch như chống giặc, thì họ phải được tôn vinh giống như bộ đội ngày xưa ra chiến trường”.

 

Nguyễn Thị HườngNgười Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/phong-liet-si-cho-can-bo-y-te-tu-vong-vi-chong-dich-xung-dang-duoc-ghi-nhan-a558010.html