Ngày 18/8, bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng vụ Giáo dục Mầm non (bộ GD&ĐT) lưu ý trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ mầm non, mà tập trung phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn trẻ tại nhà. Tranh thủ thời gian vàng trẻ đến trường để ưu tiên hướng dẫn kỹ năng, điều kiện cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1.
Đồng thời, các địa phương cũng khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại của cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tham mưu cho chính quyền có giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn, hỗ trợ giáo viên, tránh tình trạng giáo viên nghỉ việc, cơ sở giáo dục mầm non giải thể.
Nhận định về năm học mới 2021-2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, toàn ngành tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển và đổi mới. Đây cũng là năm triển khai các hoạt động giáo dục an toàn, đảm bảo mục tiêu chất lượng trong điều kiện dịch bệnh còn tiếp tục ảnh hưởng lâu dài.
Bộ trưởng bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo tăng cường các biện pháp, chính sách phù hợp bậc học mầm non. Trong điều kiện năm học chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, cần xem xét việc dạy học ở bậc mầm non sao cho linh hoạt, phù hợp. Với những nơi trẻ em không thể đến lớp, trường cần phối hợp với gia đình để có biện pháp hỗ trợ.
Theo đó, Bộ trưởng giao vụ Giáo dục Mầm non tập hợp các video bài giảng, kho học liệu mở trong nước và thế giới; xây dựng, biên soạn nguồn học liệu mới. Đây là việc cấp bách, bình thường đã cần, trong năm học mới càng cần hơn. Trường hợp trẻ không thể đến lớp, phụ huynh vẫn có nguồn học liệu hỗ trợ con tại nhà.
Trước một năm học khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, cần nhận thức đầy đủ thách thức đặt ra, từ đó có giải pháp. Trong đó, vai trò chủ động của từng địa phương rất quan trọng.
Các địa phương cần ưu tiên ngân sách cho kiên cố hóa trường học, chủ động có giải pháp khắc phục về thiếu hụt giáo viên, tập trung nguồn lực triển khai chương trình giáo dục mầm non mới và một số chính sách khác đối với bậc học mầm non.
Vị tư lệnh ngành bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông với đội ngũ giáo viên mầm non, bởi đặc thù công việc nặng nhọc, thời gian làm việc dài, áp lực lớn, yêu cầu cao, trong khi thu nhập lại thấp.
Chính vì vậy, trong giai đoạn tới ngành phải có nhiều cách thức để tháo gỡ việc này, làm sao tăng thu nhập thực tế để giáo viên gắn bó, yên tâm với công việc. Ngoài ra, các trường tư thục cần được tăng thêm.
Một nội dung cũng được lãnh đạo Bộ nhấn mạnh là phải quan tâm đến các nhóm trẻ. Đây là nơi giải quyết được nhu cầu lớn về giữ trẻ song lại tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên về cấp phép hoạt động đối với các cơ sở. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phấn đấu để trẻ đến lớp được yên vui, thầy cô công tác yên tâm, cha mẹ gửi con yên lòng. Ba chữ “yên” đó là thước đo sự thành công của chúng ta cho triển khai ở bậc học này. Tinh thần là dành tất cả điều tốt đẹp nhất cho trẻ em”.
Tuệ Linh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khong-day-truc-tuyen-cho-tre-mam-non-trong-boi-canh-covdi-19-a558013.html