Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phạm Kim Hải - Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Merufa (mã MRF-UpCoM).
Theo đó, ông Phạm Kim Hải bị phạt 40 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch.
Cụ thể, từ ngày 09/11/2020 đến ngày 08/12/2020, ông Phạm Kim Hải đăng ký bán 35.300 cổ phiếu MRF, tuy nhiên, ngày 19/01/2021, HNX mới nhận được Báo cáo kết quả giao dịch.
Từ 21/01/2021 đến ngày 17/02/2021, ông Hải tiếp tục đăng ký bán 135.300 cổ phiếu MRF, tuy nhiên, hơn 1 tháng sau, ngày 01/4/2021, HNX mới nhận được Báo cáo kết quả giao dịch.
Ông Phạm Kim Hải giữ chức Thành viên HĐQT Merufa từ ngày 28/4/2017 và bị bãi nhiệm tại ĐHĐCĐ thường niên hôm 24/4 vừa qua.
Trước đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà lãnh đạo cũng bị UBCKNN xử phạt vì không công bố thông tin hoặc chậm công bố thông tin mua bán cổ phiếus.
Bà Nguyễn Thị Ngân (Hà Nội), em dâu ông Lê Đăng Khoa, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (mã SHB - HNX) bị phạt 70 triệu đồng do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch mua 200.000 cổ phiếu SHB vào ngày 06/01/2021.
Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Hà Phương - cổ đông lớn của Công ty cổ phần NHP (mã NHP-UpCoM) bị phạt tổng cộng 45 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng và thay đổi về tỷ lệ cổ phiếu sở hữu qua các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Liên quan đến Merufa, đây là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động từ năm 1987, tiền thân là Xí nghiệp Cao su y tế (thuộc TCT thiết bị y tế - Bộ Y tế). Merufa có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bao cao su tránh thai, găng tay cao su...
Năm 2020, doanh thu của Merufa đạt 197 tỷ đồng - vượt 63% so với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế đạt 13 tỷ đồng - vượt 35% kế hoạch.
Ban lãnh đạo DN cho biết, do nhu cầu găng tay trong nước và trên thế giới tăng vì dịch Covid-19, tình hình kinh doanh có cải thiện. Tuy vậy, công ty vẫn vướng phải cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp thiết bị y tế, các bệnh viện mời thầu với các điều kiện khác nhau nhưng thời gian thanh toán chậm ừ 3-6 tháng. Bên cạnh đó, năm 2020, giá găng tay cao su biến động lớn, giá cuối năm gấp 3 lần đầu năm nhưng giá bán cho bệnh viện theo gói thầu lại không tăng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Năm 2021, Merufa đặt kế hoạch doanh thu đạt 248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 13,64 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 25% và 5% so với năm trước.
Đầu tháng 6/2021, ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - mã STB) đã hoàn tất thoái toàn bộ 6,56% vốn Merufa thông qua phương thức giao dịch thỏa thuận.
Với vốn điều lệ duy trì ở mức gần 37 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của Merufa hiện tại gồm Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamed) là cổ đông lớn nhất sở hữu 16% cổ phần, tiếp đến là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải (11,31% vốn) và bà Trần Nguyễn Thanh Mai (Vợ Chủ tịch HĐQT Vũ Văn Minh) nắm giữ 10,62% vốn.
Hiểu Minh - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cuu-lanh-dao-merufa-bi-phat-vi-ban-co-phieu-khong-bao-cao-a558057.html