Lá vối thường được sử dụng có hai loại gồm vối kê (vối nếp) và vối tẻ. Lá vối kê là loại lá nhỏ hơn bàn tay, có màu xanh vàng. Trong khi đó, lá vối tẻ to hơn bàn tay, có hình thoi, màu xanh thẫm.
Các bộ phận như vỏ thân, lá, nụ của cây vối đều có thể được dùng làm thuốc chữa bệnh. Lá vối tươi hoặc khô sắc đặc có tính chất sát trùng, thích hợp để rửa những mụn nhọt, lở loét, ghẻ, ngứa. Nước lá vối cũng có tác dụng giải khát, thanh nhiệt cơ thể, là thức uống giải nhiệt cho những ngày hè nắng nóng.
Nước lá vối chứa một số chất kháng sinh có khả năng diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, nước lá vối còn giúp chống lại bệnh tiểu đường, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp đào thải chất độc, điều trị bệnh mỡ máu và rất có ích trong việc phòng ngừa cũng như điều trị bệnh gout.
Uống nước lá vối nhìn chung gần như không có tác hại, trừ trường hợp bạn chế biến sai cách, uống quá nhiều hoặc không đúng thời điểm. Muốn uống nước lá vối để hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh, bạn nhất định phải lưu ý 5 điều sau:
Không uống nước lá vối khi đang đói
Nước lá vối vốn có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa. Việc uống nước lá vối khi đang đói sẽ khiến nhu động ruột hoạt động tích cực hơn, gia tăng cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, chóng mặt và mất năng lượng.
Hạn chế uống nước lá vối tươi
Lá vối tươi rất ngái, có nhiều chất diệp lục, có tính kháng viêm, kháng khuẩn mạnh. Việc uống nước lá vối tươi quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng hao huyết, tiêu diệt các vi khuẩn có lợi. Bạn tốt nhất nên sử dụng lá vối khô và nụ vối khô.
Không nên uống nhiều nước lá vối
Uống quá nhiều nước lá vối không có lợi cho hệ bài tiết. Bạn nên uống khoảng 1 ấm nước lá vối/ ngày hoặc 1 ly nước lá vối/ ngày là đủ. Ngoài uống nước lá vối, bạn nên có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp để nâng cao sức khỏe.
Không uống ngay sau khi ăn
Theo các chuyên gia, bạn không nên uống nước lá vối sau khi ăn. Nguyên nhân là do nước lá vối uống vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa tự nhiên, có thể cản trở việc hấp thu dưỡng chất.
Người đang điều trị bệnh
Những người đang điều trị bệnh, đang sử dụng thuốc Tây hoặc thuốc Nam không nên uống nước lá vối. Trong trường hợp muốn uống, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Người gầy yếu, trẻ em dưới 12 tuổi cũng được khuyên không nên uống nước lá vối. Phụ nữ có thai cần thận trọng khi sử dụng, không nên uống nước lá vối quá đặc để tránh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Nước lá vối nên được uống trong ngày, không nên để qua đêm ở môi trường bên ngoài vì dễ bị ôi thiu, gây đau bụng.
Lá vối khô cần được bảo quản ở những nơi khôi thoáng, tránh ánh nắng, nên cho vào túi buộc chặt, không được tiếp xúc với không khí vì dễ bị ẩm mốc.
Đinh Kim (T/h) - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/5-dieu-can-luu-y-khi-uong-nuoc-la-voi-bo-qua-coi-chung-ruoc-hoa-vao-than-a558123.html