Sáng thức giấc thấy vài... F0 – 21/7/2021
Dịch bệnh kéo dài đến nay là gần 2 năm nên thời gian này tôi chỉ cập nhật ca bệnh một cách qua loa. Với tôi, những con số ấy không còn quá quan trọng.
Cho đến trưa 21/7, thức dậy, ăn sáng như thường lệ, thì bố tôi chạy lên hớt hải: “Xong rồi, nhà đầu phố là F0 rồi!”. Lúc này trong đầu tôi chợt nghĩ, vậy là sau 2 lần trải nghiệm cảm giác trở thành F2 và 3 lần trở thành F3, giờ đã đến lúc ta đến với một trải nghiệm mới.
Cả con phố nay bị biến thành một khu “không phận sự miễn vào”, hai đầu đường chằng chịt những tấm banner đỏ trên các thanh sắt chắn ngang, tấp nập các cô, các chú áo bảo hộ, cán bộ phường nhanh chóng làm công tác phong tỏa. Bất giác, mẹ và tôi kháo nhau xem phải chuẩn bị những gì cho “cuộc chiến” này thì chả ai nghĩ được, chỉ kịp mua tạm vài cân khoai lang, thùng mì của tiệm tạp hóa đối diện nhà. Khi công tác chuẩn bị xong xuôi thì khu nhà tôi chính thức phong toả.
Ngày phong tỏa thứ 2
Sau khi phun khử khuẩn khắp ngóc ngách trong khu phố, nhân viên y tế bắt đầu gọi người trong ngõ bằng loa. Một hàng các ghế được sắp xếp ở khoảng cách 2m đủ an toàn, để xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm toàn bộ cho người dân trong khu, nhân viên y tế sẽ tiến hàng sàng lọc người có nguy cơ cao tại khu vực đó vào 3 ngày 1 lần.
Nếu nhà bạn không được thông báo gì, chứng tỏ bạn ổn. Đỗ Thúy Vy – âm tính (thở phào).
Sau nhiều ngày ở trong diện “nguy hiểm” thì tôi đã có đôi chút kinh nghiệm. Ở nhà nhiều không thực sự quá tệ nếu bạn “bày” đủ việc ra để làm. Việc tôi chọn cho mình là nấu ăn. Ngày trước (ngày chưa giông bão), công việc của tôi là nhiếp ảnh. Đi khắp nơi là một sở thích nên thường ăn uống không đủ bữa, không đủ chất.
Vậy nên, tôi coi những ngày giãn cách này như cơ hội để nạp lại dưỡng chất cho mình. Bổ sung rau, củ, các loại vitamin, các chất cần thiết – thứ mà bạn không thể có trong cái bánh mì hay bát phở được.
Ngày phong tỏa thứ 5
Không phải chỉ con phố đóng cửa. Tiếng nói của mọi người cũng thế. Chỉ đến 19h, khắp nơi là tiếng tivi của bốn phía xem thời sự, corona và virus.
Bên ngoài đường thì tất nhiên chẳng có ai rồi. Thỉnh thoảng có người ra đầu ngõ đổ rác một lần, mọi người khi nghe tin đã kịp chuẩn bị hết rồi nên chỉ lẳng lặng ở trong địa phận nhà mình, những ngày đầu phong toả lại càng im ắng hơn. Tiếng xe máy duy nhất là của nhân viên y tế.
Buổi tối đến, là một trạng thái vắng lạ hoàn toàn khác.
Những ngày phong tỏa tiếp theo
Kể ra ở nhà một thời gian tôi đã làm được khá nhiều thứ. Dạo này, cả ngày tôi hay vật lộn cùng hai nhóc cháu tôi. Cùng nhau vẽ vời, tô màu, dạy nhau học. Sở dĩ tôi nói dạy nhau, vì thấy mình cũng học được ít nhiều ở các con. Có lần, chúng cho tôi ngồi trong phòng ngủ của tàu vũ trụ (thực ra là mấy tấm bìa học chữ cũ đã bị xém một góc), chúng tôi đi bắn thiên thạch và tìm sao Hỏa, Lộc và em Micky (hai chú chó) cũng được sắm một vai mang tên chiến binh dải ngân hà.
Tôi đã thích thú lạ thường. Cảm giác như khi chúng ta không cố gắng gồng gánh sự thật rằng mình đang ở tâm dịch, tôi có thể thật sự nhập tâm vào thế giới của đám trẻ, và quay lại tuổi thơ của mình một lần nữa.
Về phần lương thực, khi các nhà đã hết lương thực thì cứ 2-3 ngày lại thấy người đưa lương thực đến. Một thùng lớn gồm: rau, củ, quả, trứng… hoặc có thể mua đồ hotline từ chợ, một số đồ dùng cần thiết và gửi tại bàn kiểm dịch rồi mình ra lấy (chỉ cần bạn nhớ, khi mang bất cứ đồ gì vào nhà, phải lập tức khử khuẩn túi đồ, ngâm quần áo vào xà phòng). Nói chung dù phong tỏa, nhưng mọi người yên tâm sẽ có hỗ trợ từ phía địa phương.
Ngoài ra, hàng ngày tôi còn chăm sóc cây và tập thiền. Tập thiền giúp tôi bình tĩnh hơn, kiểm soát các cơn giận và nhìn cuộc sống an yên hơn. Tôi có thời gian chăm cây nhiều hơn, học thêm kiến thức về thiền và dinh dưỡng, những việc mà tôi đã lên kế hoạch vài năm trước nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Tôi nghĩ rằng mình không thể thay đổi câu chuyện nhưng mình có thể thay đổi bản chất sự việc. Thay vì nghĩ mình đang ở nhà giãn cách, hãy lục lại các kế hoạch mà bạn đã dự định sẽ làm nhưng chưa thể làm được vì nhiều lý do và cho nó một cơ hội. Ít nhất bạn có thể gọi khoảng thời gian này là “thời gian vàng” để hoàn thành những dự định dang dở….
Khu nhà tôi chủ yếu là dân lao động nên phần lớn họ cũng là người nhập cư. Khi dịch đến bất ngờ, nhiều gia đình bị kẹt lại, không đi làm cũng chẳng thể về được, tiến thoái lưỡng nan vô cùng. Tôi thấy rằng mình thật may mắn khi có đủ ăn, đủ mặc, mình có mái nhà để về, có người thân bên cạnh trong thời điểm này.
Tôi lướt facebook, thấy nhiều người chia sẻ về việc hỗ trợ nhau qua một ứng dụng. Chiều hôm đó, tôi và mẹ giúp đỡ được một vài gia đình, có trường hợp của một cô là nhân viên vệ sinh, ở trên này cùng con gái.
Từ khi ở nhà thường xuyên, tôi và mẹ hàng ngày đều tập ôm nhau, thơm nhau và nói lời yêu mỗi ngày. Chúng tôi đồng ý sẽ xây dựng niềm tin và tình thân trong thời gian bị cô lập. Lúc đầu cũng hơi ngượng ngùng một chút, vậy nên tôi mới nói là phải học và tập.
Bạn có nói yêu gia đình mình mỗi ngày không?
Ngày phong tỏa thứ 21
Một không khí rộn ràng cả làng rủ nhau đi test.
- Các bác ơi, bác Thuận, bác Vân ơi đi test lại
- Giờ chỉ có ăn, ngủ và đi test thôi à…
Ôi ngõ tôi! Những ngày đầu buồn bã là thế, giờ rủ nhau đi test cũng thành một cuộc hẹn mỗi ngày. Nhiều người lâu không nhìn thấy nhau là nhớ, cách nhau đến cả một đoạn dài mà cũng vẫn cố hươ tay chào thật to nhân lúc tranh thủ đi đổ rác hay lấy đồ cứu trợ. Cứ thế mà rả rích hơn nhiều với không khí lặng tờ của đợt trước.
Ngày phong toả thứ 30
Hàng ngày, các ca nhiễm ở chỗ tôi vẫn tăng, dù đã phong tỏa một thời gian mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc có nhiều thời gian làm việc mà mình muốn không quá tệ nhưng chắc chắn là nói dối nếu bảo tôi cảm thấy ổn với việc phong tỏa. Ý tôi là, ai muốn là một trong những hộ gia đình sống trong khu vực có nguy cơ cao về khả năng lây nhiễm cơ chứ.
Bố tôi bắt đầu có những triệu chứng đầu tiên. Trong 1 phút đầu, tôi cảm thấy cơ thể mình nặng trịch, 1.439 phút còn lại trong ngày là lo âu. Hình ảnh về việc bố ốm đã bào mòn tâm trí tôi nhiều phần.
Cả nhà đã cách ly bố tại phòng riêng và theo dõi diễn biến sức khỏe. Theo như khuyến cáo, tất cả mọi người trong gia đình đều sử dụng khẩu trang, khử khuẩn tại các mặt đồ vật trước khi chạm và tất nhiên không tiếp xúc trực tiếp với nhau. Đến sáng, tôi lập tức thông báo với phía y tế, đến chiều bố tôi được đưa đi điều trị tại Mê Linh.
Ngày mai, gia đình chúng tôi lại tiếp tục đi cách ly. Và như thế, một “level” mới lại bắt đầu… Nhưng tôi tin rằng sẽ nhanh thôi, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi và khu phố tôi sẽ lại rộn ràng như trước.
*Câu chuyện dựa trên chia sẻ của Vy Đỗ khi khu phố nơi gia đình Vy Đỗ ở bị phong toả.
Vy Đỗ - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhat-ky-khu-nha-toi-bi-phong-toa-a558278.html