Chất cấm trong mì Hảo Hảo bị Ireland thu hồi có khả năng gây ung thư, không có công dụng cải thiện gì cho thực phẩm

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Ethylene Oxide là một trong 5 tác nhân có khả năng gây ra ung thư. Đặc biệt, hợp chất này không có tác dụng cũng như công dụng cho vào thực phẩm để cải thiện thêm bất cứ điều gì.

Ethylene Oxide - một trong 5 tác nhân gây ung thư

Ngày 20/8, cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô mì ăn liền do có chứa chất Ethylene Oxide. Trong các sản phẩm bị thu hồi có mì tôm chua cay Hảo Hảo và phở Good của Acecook Việt Nam. Theo thông tin từ FSAI, Ethylene Oxide không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở thị trường EU.

Ethylene Oxide, hay còn gọi là oxiran và epoxit, là một hợp chất hữu cơ thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy. Về ứng dụng và mục đích sử dụng, hợp chất này được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate và các sản phẩm khác.

thu-hoi-san-pham-6-1630079291655843462707-17-0-436-800-crop-1630079300645506544026-3de43-1630127602.jpg
Trong các sản phẩm bị FSAI thu hồi, có mì tôm chua cay Hảo Hảo và phở Good của Acecook Việt Nam.

Ngoài ra, Ethylene Oxide còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế,... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella).

Liên quan đến thông tin này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (giảng viên viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, trường đại học Bách khoa Hà Nội) cũng thông tin về chất Ethylene Oxide, tác dụng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. 

Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Ethylene Oxide là chất cấm, không được xem xét sử dụng cho thực phẩm. Ngoài ra, Ethylene Oxide là một trong 5 tác nhân có khả năng gây ra ung thư. 

pgsts-nguyen-duy-thinh-1628357216-1630127602.jpg
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Ethylene Oxide là một trong 5 tác nhân có khả năng gây ra ung thư.

Tuy nhiên, Ethylene Oxide có khả năng khử trùng rất tốt. “Ethylene Oxide có nhiều vai trò, dùng trong khử trùng y tế và một số lĩnh vực công nghiệp khác. Nhưng, khi dùng khử trùng thì phải phải biết phòng, Ethylene Oxide không phải chất cấm hoàn toàn”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay. 

Vì sao Ethylene Oxide có trong mì Hảo Hảo?

Theo giảng viên viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Ethylene Oxide không có tác dụng cũng như công dụng cho vào thực phẩm để cải thiện thêm bất cứ điều gì. “Ngày trước, hàn the dù có độc nhưng còn có công dụng giúp mì dai, còn Ethylene Oxide thì lại không có công dụng như vậy. Chính vì vậy, với tư cách chuyên môn, tôi khẳng định Ethylene Oxide nếu có dùng trong thực phẩm thì cũng không có tác dụng, không ai dùng chất này trong thực phẩm như một chất phụ gia”, ông nhấn mạnh. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng đưa ra giả thiết lý giải: “vì sao Ethylene Oxide có trong mì Hảo Hảo?”. Theo ông, sau khi xem xét, nghiên cứu, ông thấy có khả năng có thể có một số nguyên nhân từ những yếu tố khác dẫn đến Ethylene Oxide có trong mì: “Thứ nhất, trong quá trình sản xuất mì ăn liền, phải dùng bao bì (màng gói) mua của những công ty nước ngoài. Khi nhập về, cuộn bao bì thường rất to, có khi dài đến hàng nghìn mét, có thể các công ty nước ngoài khử trùng bao bì bằng Ethylene Oxide, bởi hiệu quả rất cao. Đến khi dùng, cứ lắp vào, rất có khả năng bao bì đã bị nhiễm sẵn nhưng với hàm lượng nhỏ. 

Thứ hai, có khả năng ở trong một số ngành sản xuất gia vị như thảo quả, hạt tiêu… dễ bị mốc ở các nước (trường hợp hãn hữu - PV), có thể một số đơn vị dùng Ethylene Oxide để khử trùng, bảo quản chống mốc. Trên thực tế, trong thực phẩm vẫn có khả năng sử dụng chất độc hại có tính năng khử trùng tốt để khử trùng. Sau đó, xử lý bằng cách “đuổi” chất này đi, như vậy là an toàn. Không có nghĩa, cứ dùng là nguy hiểm, mà bản thân Ethylene Oxide là chất khí, có thể bay hơi. Nên nếu dùng cho gia vị vẫn có khả năng bay đi, đảm bảo an toàn. Nhưng, nếu hàm lượng quá lớn, thì lượng bay hơi còn dư vẫn sẽ tồn tại và dính vào sản phẩm. 

Tuy nhiên, theo tôi, để biết chính xác nguyên nhân chất Ethylene Oxide như FSAI ra thông báo thu hồi mì Hảo Hảo, từ đâu mà có, thì phải chờ nhà sản xuất, cơ quan chức năng lên tiếng”. 

Trao đổi với PV Phụ nữ và Pháp luật, TS. Nguyễn Văn Khải (ông già Ozon) cho hay, cũng giống như Flo, Clo, hay lưu huỳnh…, Ethylene Oxide với nồng độ thấp (dưới ngưỡng cho phép), sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. 

“Một lưu ý cho người tiêu dùng khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào, đặc biệt là thực phẩm, cần phải biết chất đó là gì, sau đó, tra cứu hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trước hết là của Việt Nam, tiếp đến là của các nước trên thế giới. Từ đó, so sánh hàm lượng cho phép và chọn lựa sản phẩm sử dụng một cách thông minh. 

Thêm nữa, người tiêu dùng cũng cần lưu ý, tất cả các tiêu chuẩn chỉ là tương đối, còn tùy thuộc điều kiện và trường hợp sử dụng. Giả sử, với một vắt mì có chứa chất này, nhưng pha với càng nhiều nước thì nồng độ chất đó càng thấp, pha ít nước thì nồng độ chất đó càng cao. Tức là, đối với mỗi chất, cần phải biết nồng độ cho phép trong từng trường hợp sử dụng”, TS. Nguyễn Văn Khải phân tích.

ozon-1630127602.jpg
Theo “ông già Ozon” Nguyễn Văn Khải, tất cả các tiêu chuẩn chỉ là tương đối.

Bên cạnh đó, vị giảng viên viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm cũng nhìn nhận, mì tôm xuất khẩu và mì tôm dùng trong nước là hai mì độc lập với nhau. Phía công ty cũng khẳng định lô hàng bị thu hồi là sản phẩm xuất khẩu, không liên quan đến những sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng chưa có cơ quan nào lên tiếng là mì trong nước có hay không có chất cấm. Vì thế, người tiêu dùng cần chờ đợi cơ quan chức năng có ý kiến, tránh hoang mang.

Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty luật Nguyên Khang và Cộng sự) bày tỏ: "Xét về góc độ của một luật sư, tôi cho rằng, nếu đúng như thông tin từ phía FSAI thì sự việc này rất nghiêm trọng, đặc biệt là uy tín trên thương trường các doanh nghiệp Việt Nam. Các cơ quan chức năng quản lý an toàn thực phẩm cần phải vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm làm rõ thành phần mì có chứa chất Ethylene Oxide như phía FSAI đã ra thông báo. Tránh sự việc chưa được điều tra xét minh rõ ràng gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến hình hành của các doanh nghiệp kinh doanh mì đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất hàng hóa thực phẩm.
Trường hợp nếu có kết luận sản phẩm mì có chất cấm, thì cần xử lý nghiêm, để răn đe các doanh nghiệp khác bởi khi kinh doanh thì ngoài vấn đề lợi nhuận cần đặc biệt chú trọng đến đạo đức kinh doanh".

Về thông tin này, công ty Acecook Việt Nam phản hồi như sau: Sự việc được nêu ra tại trang web của cơ quan Quản lý thực phẩm Ireland. Chúng tôi khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập tại trang web này là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào.

Trả lời báo Thanh Niên, Công ty Acecook Việt Nam phản hồi như sau: Sự việc được nêu ra tại trang web của Cơ quan Quản lý thực phẩm Ireland. Chúng tôi khẳng định sản phẩm bị thu hồi trong thông tin được đề cập tại trang web này là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Hiện chúng tôi đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và sẽ có biện pháp đối ứng kịp thời, hữu hiệu nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Đồng thời, chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu và nhà cung cấp cũng khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất của họ. Chúng tôi đã yêu cầu họ kiểm soát và tuyệt đối không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất, tuyệt đối thực hiện đúng theo các cam kết này với Acecook Việt Nam

Trong thông báo thu hồi liên quan đến chất này của FSAI, có sản phẩm mì tôm chua cay Hảo Hảo (trọng lượng 77g, hạn sử dụng đến ngày 24/9/2022) và phở Good (trọng lượng 56, hạn sử dụng đến ngày 10/11/2022) do công ty Acecook Việt Nam sản xuất. Ngoài ra còn có mì hải sản Yato (trọng lượng 120g, hạn sử dụng đến ngày 30/11/2022) có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trước đó vào cuối năm 2020, Hàn Quốc cũng thu hồi một số phở đóng gói của công ty cổ phần Acecook Việt Nam vì được cho là có chứa hàm lượng Benzopyrene vượt quá giá trị tiêu chuẩn trong dầu hương liệu có trong sản phẩm. Acecook Việt Nam đã phản hồi đó là những sản phẩm phở ăn liền Peacock được gia công theo đơn đặt hàng của Emart Hàn Quốc. Đây là sản phẩm xuất khẩu không lưu hành tại thị trường Việt Nam.

Tuệ Linh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chat-cam-trong-mi-hao-hao-bi-ireland-thu-hoi-co-kha-nang-gay-ung-thu-khong-co-cong-dung-cai-thien-gi-cho-thuc-pham-a558410.html