Báo VietNamnet đăng tải thông tin, bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có công điện gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sở GTVT các tỉnh, thành phố về việc xử lý nghiêm vụ việc vi phạm liên quan đến giấy nhận diện phương tiện có mã QR code.
Trong công điện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ, thời gian qua, trước tình hình diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cán bộ, công chức, viên chức của ngành GTVT đã rất nỗ lực, cố gắng, khắc phục nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ vận tải hàng hóa đã xảy ra vụ việc vi phạm nghiêm trọng. Công an TP.Hà Nội có quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Hoàng Thị Thanh Nga, chuyên viên Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ do đã có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Vụ việc này đã ảnh hưởng đến danh dự uy tín của ngành GTVT, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để kịp thời làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan, chấn chỉnh công tác quản lý cán bộ, nhằm nâng cao trách nhiệm đạo đức công vụ, phòng chống tham nhũng tiêu cực, bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Tổng cục có liên quan, báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện trước ngày 1/9 tới.
Tổng cục Đường bộ quán triệt, rút kinh nghiệm tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan đơn vị để nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ được giao.
"Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt trong nhiệm vụ phục vụ doanh nghiệp và người dân", Bộ GTVT chỉ đạo.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT rà soát việc triển khai thực hiện cấp giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định.
Thông tin thêm trên báo Tiền Phong cho biết, theo điều tra bước đầu của Công an TP.Hà Nội, Nga đã duyệt, cấp 1.740 hồ sơ thẻ "luồng xanh", nhận tổng số tiền 222 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản; các đối tượng môi giới thu tiền của chủ phương tiện từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/xe.
Liên quan đến hành vi của nữ cán bộ này, báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Theo Luật sư Cường, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để cấp phù hiệu "luồng xanh" cho các phương tiện không đủ điều kiện hoặc các phương tiện đủ điều kiện nhưng vẫn phải mất tiền là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền nói chung, đối với ngành giao thông vận tải nói riêng, gây ra bất bình đẳng, tiêu cực trong xã hội.
Hành vi này còn có thể dẫn đến tình trạng cấp phép luồng xanh không đúng quy định, các tài xế tỏ ra nhờn, coi thường pháp luật, có thể sử dụng tiền để mua chuộc, hối lộ cơ quan chức năng, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội...
Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp phương tiện được cấp phù hiệu luồng xanh nhưng đã chở người ra vào vùng dịch trái phép, chở hàng hóa trái phép...
Với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân thì hành vi này có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015. Với tội danh này, người vi phạm có thể phải chịu mức án tù từ 1 đến 10 năm.
Theo quy định của Bộ luật hình sự 2015, hành vi phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi của người có chức vụ quyền hạn, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà đã lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 trở lên hình phạt sẽ là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
"Trong vụ án nêu trên, bị can Nga có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu bị kết tội về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" luật sư Cường nói.
Ngoài ra, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những hồ sơ, những trường hợp đã được cấp giấy luồng xanh trái quy định, những ai đã nộp tiền và số tiền nộp được thực hiện như thế nào để phân biệt với tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ.
Quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đã có sự thỏa thuận giữa người có chức vụ quyền hạn và người khác để để thực hiện công vụ theo yêu cầu của người đưa tiền (việc đưa tiền có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp qua trung gian, có thể là đưa trước hoặc đưa sau nhưng đã có sự thỏa thuận về số tiền, giá tiền từ trước) thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ, cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm hoặc thay đổi sang tội danh này.
Người có chức vụ, quyền hạn đã thực hiện hành vi thỏa thuận để nhận tiền của người khác nhằm thực hiện công việc theo yêu cầu của người nhận tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.
Còn hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn để người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền đó là hành vi đưa hối lộ được quy định tại điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015. Đối tượng trung gian kết nối giữa người có tiền và người nhận tiền cũng sẽ bị xử lý về tội môi giới hối lộ.
Hải Đăng (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-truong-gtvt-len-tieng-vu-nu-can-bo-ban-hon-1000-the-luong-xanh-a558415.html