Vụ bà Phương Hằng "tố" ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện

Các chuyên gia pháp lý nhận định: Tất cả thông tin của khách hàng là tuyệt đối bảo mật, việc công bố sao kê tài khoản của người khác thì có thể bị xử phạt. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để một mặt vẫn khơi gợi, khuyến khích hoạt động từ thiện, nhưng đồng thời cũng phải ngăn ngừa, hạn chế mặt trái có thể xảy ra.

Trong một buổi livestream mới đây, bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam), khẳng định đang giữ khoảng 1,9kg giấy tờ sao kê tài khoản ngân hàng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Câu chuyện giữa bà Nguyễn Phương Hằng và Đàm Vĩnh Hưng ngay lập tức khiến dư luận xôn xao, đây là chủ đề nóng được bàn tán suốt nhiều ngày nay. 

img-bgt-2021-dam-vinh-hung-thach-phuong-hang-1630064078-width1000height700-1630317261.jpg

 Bà Phương Hằng "tố" ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng "ém" tiền từ thiện.

Ngoài những phát ngôn qua lại giữa hai nhân vật chính, dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi pháp lý, trong đó tập trung vào câu hỏi vì sao bà Phương Hằng lại có được sao kê tài khoản của Đàm Vĩnh Hưng? Việc tiết lộ thông tin tài khoản của người khác có vi phạm?

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, ngân hàng phải giữ bí mật tuyệt đối mọi thông tin của khách hàng, điều này được quy định tại Nghị định 117/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực thi hành từ 1/11/2018.

Nghị định nêu rõ: Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ ngân hàng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng khác cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó.

Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung, phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.

Theo Điều 47, Nghị định 88/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đề cập đến việc "làm lộ, sử dụng thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đúng mục đích theo quy định của pháp luật" bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.

Đồng quan điểm với luật sư Hòe, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt cho biết, dữ liệu ngân hàng nói chung và thông tin tài khoản ngân hàng nói riêng thuộc loại tuyệt đối bảo mật.

Trao đổi với PV ĐS&PL, luật sư Kiên cho biết, dữ liệu ngân hàng nói chung và thông tin tài khoản ngân hàng nói riêng thuộc loại tuyệt đối bảo mật.

Luật sư Kiên cũng nhấn mạnh: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ và việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý... Chính vì vậy, mọi hành động xâm phạm những điều đó sẽ là hành vi vi phạm pháp luật”.

Một lãnh đạo Agribank chi nhánh TP.HCM cho biết, Điều 14 về “bảo mật thông tin” theo luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, ngân hàng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Theo báo VietNamNet, trước những câu chuyện “lùm xùm” về từ thiện thời gian qua, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc công ty Luật ANVI nhận định: “Hoạt động từ thiện nếu diễn ra nhỏ lẻ và trực tiếp giữa người tặng cho và người nhận thì hoàn toàn không có vấn đề gì đáng ngại. Nhưng nếu xảy ra với số lượng nhiều, giá trị lớn, phạm vi rộng, thời gian dài, có nhiều người tham gia tặng cho và tiếp nhận, nhất là thông qua tổ chức, cá nhân trung gian và trong các tình thế cấp bách, thì rất cần phải có vai trò điều phối, sắp xếp và giám sát.

Vì trong trường hợp đó, thì dễ xảy ra nhiều hệ lụy như mất công bằng, chỗ thừa, chỗ thiếu, không kịp thời, hợp lý và đặc biệt là dễ bị lợi dụng, thất thoát, làm mất đi ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của việc làm từ thiện”.

Để hoạt động từ thiện đúng nghĩa và thực sự tốt đẹp, ông Đức cho rằng cần phải đầy đủ các yếu tố sau:

Người có tấm lòng từ thiện cần cân nhắc tặng cho cái gì và qua kênh nào để đồng tiền, vật phẩm của mình có ý nghĩa nhất, đến được với người thật sự cần sự giúp đỡ.

Về phía người làm đầu mối từ thiện nên cần lượng sức để có thể hoàn thành trọng trách, tránh làm tổn thương đến cả những người tặng cho và người tiếp nhận; tránh làm ơn lại mắc oán.

Về phía cơ quan, chính quyền các cấp, cần hết sức quan tâm trong việc hỗ trợ, điều phối tạo điều kiện để phát huy hiệu quả mọi kênh hoạt động thiện nguyện.

Và cuối cùng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để một mặt vẫn khơi gợi, khuyến khích hoạt động từ thiện, nhưng đồng thời cũng phải ngăn ngừa, hạn chế mặt trái có thể xảy ra.

Theo Luật sư Nguyễn Phú Thắng, thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội, nếu người đóng góp cảm thấy số tiền của mình không được thực hiện đúng mục đích thì có thể yêu cầu chủ tài khoản trả lại tiền. Đồng thời nếu chứng minh được thiệt hại, có thể kiện chủ tài khoản ra tòa. Tòa án sẽ xử lý theo Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp chủ tài khoản sử dụng số tiền quyên góp vào mục đích cá nhân là có yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự hoặc lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.

Được biết, để giúp cho việc minh bạch, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện, hiện tại Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 

Hy vọng, với việc  ra đời của nghị định này, đồng thời chính quyền, cơ quan đoàn thể như Mặt trận tăng cường giám sát việc làm từ thiện của các cá nhân, tổ chức, lĩnh vực này sẽ dần đi vào quy củ và hiệu quả hơn./

 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vu-ba-phuong-hang-to-ca-si-dam-vinh-hung-tiet-lo-sao-ke-tai-khoan-cua-nguoi-khac-la-vi-pham-phap-luat-a558498.html