Không dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ
Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội và Cục quản lý thị trường Hà Nội phát hiện người đàn ông tên Trương Văn An, 40 tuổi, nhập hàng trăm hộp thuốc được cho là điều trị bệnh nhân Covid-19; số thuốc này không rõ nguồn gốc được An mang về bán với giá gấp đôi để kiếm lời.
Trước đó, trên mạng cũng xuất hiện một số đối tương quảng cáo, rao bán tràn lan thuốc “phòng ngừa Covid-19”… Tuy nhiên, những kẻ xấu trục lợi trong mùa dịch nhanh chóng bị công an phát hiện, bắt giữ để xử lý theo quy định pháp luật.
Công an cho biết, đa số các loại thuốc được cho là “phòng ngừa và điều trị Covid-19” trên mạng là hàng giả, hàng trôi nổi, xách tay, chưa được kiểm định chất lượng, chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV Người Đưa Tin đã trao đối với chị Nguyễn Thị Vân Kiều – công tác tại công ty Cổ phần Dược phẩm Bảo Hà.
Theo chị Vân Kiều, hiện nay việc điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 phải tuân theo chỉ định, pháp đồ điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình dịch bệnh, sự hoang mang, lo lắng của người dân trước tình hình dịch bệnh, có những đối tượng, cơ sở làm giả các loại thuốc, thực phẩm chức năng cho là hỗ trợ, phòng ngừa Covid-19 và rao bán công khai trên mạng.
Là một người công tác trong ngành Dược, chị Vân Kiều đưa ra một số lưu ý giúp người dân nhận biết đâu là sản phẩm thật, đâu là sản phẩm giả để tránh bị “tiền mất tật mang”.
“Người dân nên tỉnh táo, không nên mua các sản phẩm thuốc trên mạng mà nên mua tại các nhà thuốc uy tín, có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Khi mua bất kỳ loại thuốc nào, trên bao bì, vỏ hộp của các sản phẩm này đều sẽ có các thông tin về Nhà sản xuất, số lô sản xuất, nhà phân phối, số đăng ký, hạn sử dụng và nhãn phụ (đối với trường hợp thuốc được nhập khẩu) mà người nào cũng có thể kiểm tra được”, chị Kiều nói.
Theo chị Kiều, số đăng ký trên mỗi sản phẩm rất khó làm giả. Số đăng ký thuốc là ký hiệu bao gồm các chữ và số được các đơn vị chức năng của bộ Y tế quy định cho một thuốc hoặc một sinh phẩm chuẩn đoán để chứng nhận thuốc hoặc sinh phẩm đó đã được phép lưu hành tại Việt Nam. Do vậy, một cách dễ dàng phân biệt giữa thuốc thật và thuốc giả là nhìn vào số đăng ký. Một sản phẩm khi đã được đăng ký, điều đó thể hiện là sản phẩm đã được kiểm nghiệm, làm đúng quy trình thì mới có số đăng ký để lưu hành ra thị trường.
Cẩn thận hơn, nhìn vào số đăng ký trên sản phẩm, người tiêu dùng có thể kiểm tra lại trên mạng vì số đăng ký được đăng công khai trên trang Web của bộ Y tế, hoặc của cục An toàn thực phẩm.
Chị Kiều cũng khuyến cáo: Mỗi người dân hãy là một người tiêu dùng thông minh, luôn cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19, nâng cao cảnh giác, khôn ngoan trong việc tiếp cận thông tin, lựa chọn sản phẩm, tuân theo sự hướng dẫn, chỉ định, pháp đồ điều trị của bác sĩ trong việc phòng ngừa, điều trị Covid-19.
Ngoài việc tuân thủ đúng thông điệp 5K của bộ Y tế thì quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình. Mọi người hãy thường xuyên dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát và quan trọng chúng ta hãy luôn bình tĩnh; không nên hoang mang trước tình hình dịch bệnh.
“Theo tôi được biết, nhiều F0 tự cách ly ở nhà, tự điều trị và tự khỏi, có trường hợp không cần dùng thuốc do sức đề kháng của họ tốt. Do vậy, mỗi người cần uống nhiều nước, đặc biệt phải uống nước ấm; thường xuyên súc miệng nước muối; bổ sung thêm vitamin C, ăn thêm nhiều hoa quả. Khi sốt trên 38,50 thì có thể uống thuốc hạ sốt. Các trường hợp ốm nặng hơn cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được nghe lời khuyên, hướng dẫn từ nhân viên y tế. Tuyệt đối không được dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ”, chị Kiều đưa ra lời khuyên.
Cần xử lý nghiêm những kẻ trục lời từ dịch bệnh
Dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với PV, luật sư Vũ Thị Mai Phương – Giám đốc công ty luật TNHH Sunlight (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, những đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để hoạt động quảng cáo, mua bán các loại thuốc phòng ngừa và điều trị Covid-19 giả trên mạng, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ ... có thể bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013.
Trong đó, hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điều 17, Nghị định 109/2013).
Đối với các hàng hóa, thuốc đăng tải thông tin và được rao bán vượt quá mức xử phạt hành chính sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo tinh thần của Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 BLHS. Mức phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cũng tại Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020; cụ thể tại điểm 1.8 mục 1 quy định “Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự, mức phạt tù đến 15 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
“Đây là các mức xử phạt rất nghiêm minh, thể hiện tính răn đe của pháp luật đối với các hành vi vi phạm. Cơ quan có thẩm quyền cần thiết có chế tài nghiêm khắc, phạt nặng doanh nghiệp cố tình trục lợi. Bên cạnh đó, người dân nên sáng suốt lựa chọn khi mua các sản phẩm thuốc. Trong trường hợp không may mua phải sản phẩm thuốc giả thì cần báo ngay cơ quan chức năng, cơ quan công an, sở Công thương, Cục bảo vệ người tiêu dùng để được tư vấn và bảo vệ”, luật sư Phương phát biểu.
Nguyễn Thị Thúy - Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tu-mua-thuoc-dieu-tri-covid-19-dung-de-tien-mat-tat-mang-a558597.html