Nhiều người được chủng ngừa Covid-19 gặp phải các phản ứng phụ như sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ, buồn nôn, mệt mỏi,… Các chuyên gia y tế nhận định, những phản ứng này cho thấy hệ miễn dịch đang học cách chống lại virus SARS-CoV-2.
Do đó, một số người không có bất kỳ tác dụng phụ nào sau tiêm thắc mắc liệu hệ miễn dịch của họ có hoạt động bình thường hay không và vắc- xin có hiệu quả với họ hay không.
“Ngay cả khi bạn không cảm thấy buồn nôn sau khi tiêm vắc-xin, rất có thể bạn vẫn có phản ứng miễn dịch bảo vệ tốt”, Tiến sĩ Chris Thompson, nhà miễn dịch học ở Khoa Sinh học của Đại học Loyola (Mỹ), cho biết.
Nhà dịch tễ học Brian Castrucci nhận định, mặc dù các tác dụng phụ như đau nhức cơ, sốt hoặc mệt mỏi là những dấu hiệu hệ miễn dịch đang hoạt động, nhưng thiếu tác dụng phụ không có nghĩa việc tiêm vắc-xin vô giá trị.
Trong các thử nghiệm lâm sàng của Pfizer và Moderna, một lượng đáng kể những người tham gia không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, nhưng họ vẫn được bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2.
Ông Castrucci nói: “Nếu nhìn vào dữ liệu thử nghiệm bạn sẽ thấy hơn một nửa số người tham gia không có bất kỳ tác dụng phụ nào nhưng họ vẫn được bảo vệ hơn 90% sau khi tiêm vắc- xin”. Nhìn chung, tất cả mọi người trong các thử nghiệm dùng vắc-xin, có bị tác dụng phụ hay không, đều đạt được tới 90% khả năng bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2.
Vắc-xin chính là cho hệ miễn dịch của cơ thể “tập trận”. Chúng ta có thể hiểu đơn giản là vắc-xin được tạo ra từ kháng nguyên đã chết hoặc gần chết, các nhà khoa học làm cho “địch” là những virus vốn rất nguy hiểm trở nên mất khả năng “chiến đấu” hoặc “xé” một phần đặc trưng của nó, sau đó tiêm nó vào cơ thể. Hệ miễn dịch sẽ nhận diện “kẻ địch” này theo đúng quy trình, tất nhiên, lúc này “kẻ địch” chỉ là xác chết hoặc đã suy yếu nên không có khả năng gây hại cho cơ thể.
Và việc mọi người có phản ứng khác nhau sau khi tiêm là bởi hệ miễn dịch của con người phản ứng theo những cách khác nhau, trong đó một số hình thành phản ứng thể chất cao hơn với việc tiêm chủng. Vắc-xin sẽ tạo ra số lượng kháng thể nhất định nhưng khoảng thời gian tạo ra đủ theo kế hoạch sản xuất thì mỗi người sẽ khác nhau. Có thể sốt, có thể không, nhưng đích đến cuối cùng vẫn đảm bảo hiệu quả của vắc-xin.
Cơ thể sốt sau tiêm có nghĩa là hệ miễn dịch đang “nóng nảy” chiến đấu ác liệt với “kẻ địch”. Còn với người không sốt, không có nghĩa là hệ miễn dịch không chiến đấu, mà nó chiến đấu bằng cách nhẹ nhàng hơn. Và dù có sốt hay không sốt, thì hệ miễn dịch đã nhận diện và sẽ đưa virus SARS-CoV-2 này vào danh sách tiêu diệt, để lần tới nếu virus này xâm nhập cơ thể, thì hệ miễn dịch sẽ tự động tiêu diệt. Như vậy, sốt hay không sốt cũng mang lại hiệu quả miễn dịch tương đương nhau, hệ miễn dịch sẽ học được cách đánh để triển khai thế trận khi có “địch” xâm nhập cơ thể.
Tiến sĩ Thompson cho biết thêm, mọi người phản ứng khác nhau với vắc-xin do những yếu tố như sức khỏe, tuổi tác, giới tính, khả năng miễn dịch sẵn có, di truyền, dinh dưỡng, môi trường và việc sử dụng thuốc chống viêm.
Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng thời gian trong ngày tiêm vắc- xin cúm mùa có thể ảnh hưởng đến phản ứng của hệ miễn dịch. Ngoài ra những người từng nhiễm Covid-19 có xu hướng phản ứng mạnh hơn với vắc- xin.
Bên cạnh đó có sự băn khoăn về việc liệu những người bị suy giảm miễn dịch có được bảo vệ sau khi tiêm chủng hay không. Tiến sĩ Thompson giải thích, những người bị suy giảm miễn dịch vẫn được bảo vệ ở mức độ nhất định nhưng có ít kháng thể hơn và tốc độ sinh kháng thể chậm.
Trên thực tế các loại vắc-xin khác cũng có tác dụng phụ. Vắc-xin được thiết kế để có ít hoặc không có phản ứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, mọi người vẫn thường gặp các tác dụng phụ sau khi tiêm chủng. “Các loại vắc xin cúm, sởi, quai bị, rubella, bạch hầu, ho gà, uốn ván… đều có khả năng gây phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân”, Tiến sĩ Thompson nói.
Một chút viêm nhiễm là cần thiết để cơ thể phát triển khả năng miễn dịch mạnh mẽ. Nhưng các nhà khoa học chưa có cách đo lường mức độ viêm đó và xác định xem điều đó thể hiện phản ứng miễn dịch của một người như thế nào.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Sức khỏe & Đời sống) - Người Đưa Tin
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/khong-co-phan-ung-phu-sau-tiem-thi-vac-xin-covid-19-co-hieu-qua-khong-a558639.html