VTV gọi tên Thủy Tiên, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng "đòi" sao kê tài khoản
Những ngày qua, có lẽ chưa bao giờ từ sao kê được nhắc đến nhiều như thế trên mạng xã hội cho đến báo chí. Nhiều người đã dùng từ này để vào bình luận các bài viết của một số nghệ sĩ nổi tiếng như Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành để yêu cầu họ minh bạch thông tin quyên góp làm từ thiện. Yêu cầu sao kê mạnh mẽ đến nỗi, các nghệ sĩ, người phải lên tiếng trần tình, người chọn cách khóa bình luận của khán giả.
Nhà đài VTV mới đây cũng vào cuộc, chia sẻ góc nhìn đa chiều liên quan đến việc sao kê từ thiện của nghệ sĩ. Trong phóng sự "Góc nhìn bình luận: Hoạt động từ thiện và chiếc chìa khóa minh bạch" do biên tập viên Gia Hiếu dẫn, VTV đã thẳng thắn đề cập đến những cái tên gây chú ý gần đây.
Một số nghệ sĩ bị VTV nhắc thẳng tên, "đòi" sao kê.
Theo đó, Trấn Thành từng quyên góp được hơn 9 tỷ đồng cho bà con miền Trung, nhưng chậm thông báo tiền đã được giải ngân như thế nào. Sau khi bị hỏi nhiều, anh đã khóa luôn bình luận tại fanpage 18 triệu lượt theo dõi mà không có giải thích gì thêm.
Đàm Vĩnh Hưng phải làm clip trần tình sau khi bị đặt vấn đề không minh bạch từ thiện. Tương tự, Thủy Tiên cũng bật khóc trên sóng livestream vì chưa giải trình được cách sử dụng hơn 100 tỷ đồng nhà hảo tâm gửi vào tài khoản.
Cảnh Thủy Tiên bật khóc trên livestream khi bị hỏi sao kê tài khoản lên sóng truyền hình quốc gia.
Biên tập viên của VTV bình luận: "Tốt nhất vài ngày đến 1 tuần, người làm từ thiện nên công bố sao kê các khoản thu chi để bất cứ ai cũng có thể xem và bản thân mình cũng có thể kiểm soát. Đừng để nước đến chân mới nhảy, lỡ như có bất kỳ sự chênh lệch nào, khuất tất ra sao thì hậu quả sẽ khó lường".
Còn theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, những ồn ào và bức xúc của dư luận với một số nghệ sĩ trong cách làm từ thiện là ở việc công chúng không có những bằng chứng, giấy tờ để hiểu cặn kẽ, giải tỏa những hiểu lầm với nghệ sĩ. "Cái lý lẽ sâu xa nhất là nằm ở chỗ nghệ sĩ là những người vô cùng cảm tính. Họ không biết rằng từ thiện không chỉ là việc tình cảm, nó hoàn toàn là việc của lý trí. Cho nên người ta mới nói là không chuyên nghiệp" - bà nói.
Minh bạch trong hoạt động từ thiện là chìa khóa để mở cánh cửa nhân từ
Cũng trong phóng sự của VTV, quan điểm của nhà đài rất nhất quán. Với tiền bạc, nhất là tiền bạc đóng góp từ tâm của người khác, nếu có xảy ra sự việc gì liên quan đến bội tín, nghi ngờ thì việc lấy lại niềm tin, chữ tín là cực kỳ khó. Có thể nói, minh bạch chính là chiếc chìa khóa của niềm tin để mở toang cánh cửa nhân từ ở mỗi người.
Sự minh bạch đầu tiên phải thể hiện ở chỗ tiền từ thiện phải được sử dụng đúng mục đích ban đầu. Nhân đó, VTV nhìn lại vụ "chạy KPI" giải ngân từ thiện của Hoài Linh.
Hoài Linh được lấy ra làm ví dụ trực quan sinh động cho việc minh bạch tiền từ thiện.
Dù sau đó nghệ sĩ này có vội vàng chia tiền cho đồng bào vùng lũ, nhưng sự không minh bạch, chậm trễ trong giải ngân khiến nhiều người hâm mộ thất vọng.
Để minh bạch, quan trọng không kém là công khai thông tin, gồm:
- Công bố danh sách người cần giúp đỡ (có chính quyền địa phương xác nhận)
- Công bố danh sách người/tổ chức giúp đỡ (kèm theo con số cụ thể)
- Việc phát tặng quà (được ghi hình, tường thuật rõ ràng)
- Công bố số đã phát tặng (số dư được công khai)
- Minh bạch chi phí tổ chức (không nên và không thể trích xuất từ nguồn đóng góp từ thiện - điều mà không ít tổ chức luôn tận dụng và lợi dụng).
Có thể thấy, xét trên "bộ tiêu chí" này, những nghệ sĩ bị nhắc tên chưa thực sự công khai minh bạch trong chuyện làm từ thiện.
Sự im lặng khó hiểu của Trấn Thành khiến nhiều người không hài lòng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định: "Từ thiện phải xác định thay đổi cách làm, làm một cách chuyên nghiệp. Làm từ thiện không bao giờ dễ nếu chúng ta làm hết trách nhiệm".
Biên tập viên Gia Hiếu cho rằng, việc làm từ thiện của các nghệ sĩ nói riêng, các cá nhân, tổ chức tự phát nói chung rất cần có sự chung tay của những người có kỹ năng tổ chức và kiểm soát. Bằng không, với những sơ suất không đáng có, những mong muốn tốt đẹp ban đầu có thể sai lệch, thậm chí tạo kẽ hở cho những kẻ trục lợi.
Với dự thảo nghị định mới về công tác từ thiện mà Bộ Tài Chính đang đề xuất để thay thế Nghị định 64 hơn 10 năm về trước, hy vọng thời gian tới, sẽ ít hơn những cuộc tranh cãi xung quanh vấn đề minh bạch từ thiện.
"Từ thiện là từ tâm, chứ không phải là kinh doanh. Sao kê thì đúng thôi. Chỉ làm sai mới không dám đối diện với công chúng và sự thách thức của người khác thôi!
- Làm những việc liên quan đến tiền quyên góp của công chúng bá tánh phải công khai. Tiền túi thì thôi không ai nói gì! Làm kiểu mập mờ để lợi dụng thì ai cũng muốn làm, lại đẹp tên tuổi nữa! Càng công khai người khác càng nể. Hãy nhìn vợ chồng Lý Hải - Minh Hà, chưa cần ai bắt người ta tự sao kê dài như sớ kìa.
- Rất mong những đồng tiền sẽ đến tay người cần được nhận, nhiều hoàn cảnh khó khăn lắm đang cần giúp đỡ. Nếu như bản thân mình ủng hộ quyên góp mà không đến được với người cần giúp thì rất bực mình, đã tin tưởng ủng hộ thì cũng mong nó đến tận nơi. Mình đã từng đi thiện nguyện và thấy nhiều mảnh đời vất vả và nghèo lắm, vào nhà gạo không có, nhà đắp đất nứa tre, mưa bão dột nóc nhà... Vẫn cảm ơn nhưng nhà hảo tâm đứng ra kêu gọi, lội mưa nắng trao tận tay dân, nhưng mong rằng đã có trách nhiệm và nhận sự tin tưởng thì trao nó bằng hết tấm lòng và của cải của người ta.
(Trích một số trăn trở của cộng đồng mạng)
Theo Pháp luật và Bạn đọc